Mối nguy đã lường từ trước
Một số người dân khu vực cạnh Trường tiểu học Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội phản ánh, vào khoảng 13h45 ngày 12/1, em học sinh Đỗ Thị Thúy (7 tuổi, học sinh Trường tiểu học Tân Hưng, con anh Đỗ Văn Quân và chị Quách Thị Hương ở thôn Ngô Đạo, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị tường bao nhà trường đổ đè nát bàn chân.
|
Trường tiểu học Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội - nơi xảy ra vụ việc.
|
Để hiểu rõ hơn về vụ việc tường trường học đè nát chân học sinh, PV Kiến Thức đã đến hiện trường nơi em Thúy gặp nạn và nhận thấy, đoạn tường bao Trường tiểu học Tân Hưng bị sập đã được khắc phục lại, kéo dài khoảng 20m, ngay cạnh lối vào trường.
Trao đổi với PV Kiến Thức, bà Đào Thị Thành, Hiệu trưởng Trường, cho biết: “Sự việc xảy ra vào khoảng 13h45 ngày 12/1, nguyên nhân là do tường yếu. Bức tường bao đó được xây dựng vào năm 2004 nhưng sau một thời gian tường đã xuống cấp. Việc xuống cấp này, ban giám hiệu nhà trường đã báo cáo các cơ quan chức năng nhằm xin kinh phí xây dựng lại. Tuy nhiên, khi chưa kịp triển khai xây dựng lại thì xảy ra sự cố”.
“Để có tiền xây dựng tường bao xuống cấp này, nhà trường cần nguồn vốn xã hội hóa còn trường không có kinh phí. Trước khi xảy ra vụ việc đáng tiếc với em Thúy, nhà trường đã cảnh báo các em học sinh của trường là không được chơi cạnh các bức tường nguy hiểm đó, đồng thời viết thông báo dán lên các bức tường, để các em tránh nguy hiểm”, bà Thành nói thêm.
|
Đoạn tường bao đổ đè nát chân em Thúy đã được xây dựng lại.
|
Về việc em Thúy gặp tai nạn, bà Thành nói: “Ngay sau khi tường bao đổ đè vào chân em Thúy, ban giám hiệu nhà trường đã khẩn trương đưa em đi sơ cứu ở trạm xá xã, rồi sau đó thuê xe đưa em đến BV Việt Đức điều trị. Ban đầu, các bác sĩ BV Việt Đức phẫu thuật chân cho em Thúy là khá thành công. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, chăm sóc, chân em bị nhiễm trùng khá nặng và đang tiến hành phẫu thuật lần 2. Khi xảy ra sự việc với em Thúy, nhà trường đã vận động các thầy cô cùng các bậc phụ huynh học sinh trong trường hỗ trợ gia đình em được gần 20 triệu đồng. Gia đình em Thúy thuộc gia đình khó khăn trong thôn Ngô Đạo, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội này”.
|
Một đoàn tường yếu của Trường tiểu học Tân Hưng được gia cố bằng cọt bê tông.
|
Trường chuẩn quốc gia nhưng cơ sở xuống cấp trầm trọng
Ông Nguyễn Thành Đảng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng cho biết: “Đầu năm học, Ban giám hiệu Trường tiểu học Tân Hưng có báo cáo với UBND xã về việc các bức tường bao kém chất lượng và có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho các em học sinh, để xin kinh phí xây dựng lại. Tuy nhiên, do đầu năm học cha mẹ các em học sinh phải đóng nhiều khoản nên kinh phí hạn hẹp, chưa thể xây dựng lại các bức tường nguy hiểm đó. Việc xây dựng lại các bức tường nguy hiểm mà Trường tiểu học Tân Hưng kiến nghị vì thế phải chờ đến cuối năm mới làm được".
|
Ông Nguyễn Thành Đảng- Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng trao đổi với PV Kiến.
|
"Trước khi xảy ra sự cố đáng tiếc với cháu Thúy, UBND xã đã báo cáo lên cấp trên 2 lần, nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Còn trước khi xảy ra sự việc với cháu Thúy, UBND xã đã đồng ý phê duyệt cải tạo lại bức tường nguy hiểm đó từ nguồn vốn xã hội hóa, nhưng chưa kịp làm đã xảy ra vụ việc", ông Đảng nói.
Nhận định về cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia Tân Hưng, ông Đảng cho biết: “Trường tiểu học Tân Hưng là trường chuẩn Quốc gia từ năm 2004, nhưng cơ sở vật chất thì đang xuống cấp khá trầm trọng như nhà học thể chất, tường bao, cửa sổ phòng học… nhưng chưa có kinh phí xây dựng".
Khả năng phải cắt bỏ chân là rất lớn
Ngồi chăm sóc con gái ở BV Việt Đức- anh Đỗ Văn Quân buồn bã nói: “Ngay sau khi con gái tôi bị tường bao nhà trường đổ đè vào chân, phía nhà trường đã sơ cứu cho cháu tại phòng y tế và liên lạc với gia đình. Khi đến nơi thấy con gái đang quằn quại trong đau đớn, tôi không cầm được nước mắt. Nhận định vết thương của con gái tôi quá nặng, các bác sĩ trạm xá của xã cùng gia đình đã quyết định chuyển cháu BV Việt Đức để điều trị".
|
Anh Quân đang chăm sóc con gái tại bệnh viện.
|
"Bức tường bao nhà trường đã quá cũ nát, phía phụ huynh cũng đã kiến nghị nhà trường bỏ tường cũ, xây tường mới cách đây 2 năm, tuy nhiên viện nhiều lý do nhà trường vẫn chưa xây dựng lại, hậu quả là bức tường đã đổ khiến con tôi phải nhập viện", anh Quân bức xúc nói thêm.
Theo anh Quân, khi bức tường đổ, không chỉ có riêng cháu Thúy mà còn có 2 học sinh khác cũng bị thương, nhưng may mắn là các cháu chỉ bị trầy xước nhẹ. “Đoạn tường đổ dài đến 15 mét, nhưng may mắn là đang giờ vào lớp nên không có nhiều học sinh bị thương, nếu đang giờ tan học, tôi tin chắc là số trẻ bị thương không chỉ dừng lại ở 1 cháu”, anh Quân cho biết.
Được biết, chân cháu Thúy bị dập nát toàn bộ xương và đứt gân. Hiện tại máu vẫn chưa thể lưu thông được.
"Gần 3 tuần điều trị tại BV Việt Đức, cháu đã phẫu thuật 1 lần và chuẩn bị phẫu thuật lần 2, nhưng do vết thương quá nặng lại bị nhiễm trùng nên các bác sĩ cho biết, khả năng phải cắt bỏ chân là rất lớn. Tuy nhiên, gia đình sẽ cố gắng “còn nước, còn tát” đến cùng, mong cứu lại được bàn chân cho cháu. Năm nay, chắc chắn gia đình tôi phải ăn Tết trong bệnh viện rồi", chị Hương, mẹ cháu Thúy, tâm sự trong nước mắt.