Trước đó, hành khách này khai báo hành lý thất lạc, bên trong chỉ có quần áo. Phía hải quan kết luận hành khách có ít nhất hai vi phạm: Không khai báo hải quan hàng nhập khẩu khi giá trị tài sản vượt quá mức được miễn thuế (tối đa 5 triệu đồng) và thiếu chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu với hàng hóa đặc biệt như điện thoại.
|
Điện thoại iPhone 6S. |
Trước đó hai ngày, Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất cũng đã bắt giữ hai kiện hàng có dấu hiệu nhập lậu, bên trong có 93 iPhone 6S. Ngoài ra, Chi cục Hải quan sân bay Nội Bài ngoài Bắc cũng tạm giữ 20 iPhone 6S nhập lậu.
Tình trạng nhập lậu iPhone 6S đang nóng lên trong thời gian gần đây, bởi loại điện thoại này rất hút khách. Nếu nhập khẩu chính ngạch thì chỉ doanh nghiệp mới thực hiện được. Ngoài việc mất thêm 10% tiền thuế, nhà nhập khẩu còn phải xin giấy phép chứng nhận hợp chuẩn của cơ quan quản lý viễn thông với thủ tục khá chặt chẽ, phức tạp.
Tuy nhiên, việc xử lý thế nào với hành vi “xách tay” iPhone 6S đang gây nhiều tranh cãi. Một cán bộ Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất cho biết theo Nghị định 127/2013 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan), có khá nhiều mức phạt tiền, phạt bổ sung khác nhau mà suy cho cùng là có thể rất nặng hoặc rất nhẹ với người vi phạm.
Cụ thể, nếu theo Điều 12 về vi phạm quy định kiểm soát hải quan, có thể phạt tiền 2-5 triệu đồng với hành vi chứa chấp, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) không có chứng từ hợp pháp (nếu giá trị hàng hóa vi phạm dưới 50 triệu đồng). Giá trị hàng trên 100 triệu đồng thì có thể phạt tiền 30-60 triệu đồng nhưng phải chứng minh là sai phạm đó có dấu hiệu hình sự và chưa đến mức phải truy cứu hình sự. Bên cạnh hình phạt chính bằng tiền còn có hình phạt bổ sung, xem ra nặng hơn cả phạt chính, là tịch thu tang vật vi phạm (có thể lên tới tiền tỉ).
Nhưng cũng Nghị định 127 lại có Điều 14 về “vi phạm các quy định chính sách quản lý hàng hóa XNK...”. Theo đó, có thể chỉ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng với hành vi XNK hàng hóa trái quy định về hàng hóa của người xuất cảnh, nhập cảnh. Và quan trọng hơn, trong điều này có thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tái xuất “trong trường hợp tang vật vi phạm thuộc danh mục XNK có điều kiện hoặc phải có giấy phép”. Với quy định như vậy, có thể coi điện thoại là mặt hàng nhập khẩu phải có giấy phép nên chỉ cần buộc tái xuất là đủ. Và thực tiễn, nhiều trường hợp đã được áp dụng quy định này để rồi những lô hàng lớn, bản chất là nhập lậu, bị phát hiện được tái xuất sang nước thứ ba.
Được biết Bộ Tài chính đã phát hiện “khe hở” này sẽ gây khó khăn và dư luận không tốt cho cuộc đấu tranh chống buôn lậu nên Bộ vừa yêu cầu Tổng cục Hải quan nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 127 cho chặt chẽ hơn.