>>> Clip ông Huỳnh Ngọc Sơn kể lại giây phút truy hô cứu đoàn tàu:
Liên quan đến vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh, ngày 22/3, PV Kiến Thức đã có cuộc trò chuyện với người đầu tin phát hiện cầu sập và chạy đến thông báo cho nhân viên gác chắn ở gần đó để ngăn đoàn tàu lại khi còn cách cây cầu sập chừng 200 mét. Nhiều người dân tại đây cho rằng sẽ xảy ra vụ tai nạn đường sắt vô cùng nghiêm trọng nếu những nhân viên gác chắn hôm đó không dừng kịp thời đoàn tàu đang lao tới cầu bị sập.
Người đầu tiên truy hô sự cố cầu Ghềnh sập cho nhân viên gác chắn là ông Huỳnh Ngọc Sơn (53 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai).
Theo ông Sơn, trưa 20/3, khi ông đang ở trong nhà cùng vợ con thì nghe một tiếng nổ cực lớn ở phía cầu Ghềnh cách nhà 50 mét nên vội chạy ra xem.
|
Ông Huỳnh Ngọc Sơn - người đầu tiên phát "tín hiệu" cầu Ghềnh sập. |
“Tôi chạy ra thì thấy khói bốc lên ở giữa cầu. Khi đến gần thì thấy thân cầu gãy làm nhiều đoạn, chìm xuống nước. Chiếc sà lan lật úp dưới lòng sông. Khi đó, nghĩ đoàn tàu sắp đến sẽ gặp “thảm họa” nên tôi vừa chạy nhanh về hướng gác chắn vừa hô to thông báo cầu sập. Sợ các nhân viên không nghe thấy, tôi đưa tay lên quơ qua quơ lại như cắt kéo để ra hiệu cho họ dừng tàu khẩn cấp” - ông Sơn kể.
Thời điểm này, tàu hàng mang số hiệu 2 đang lưu thông từ ga Sóng Thần (Bình Dương) về ga Biên Hòa với vận tốc 40km/h. Lúc này, các nhân viên tại trạm gác Bửu Hòa cách hiện trường 200 mét cũng chuẩn bị hạ gác chắn để đón tàu qua cầu Ghềnh.
Ông Sơn cho biết thêm, khi thấy ông hớt hải chạy đến thông báo, một nhân viên ở trạm gác đã nhanh chóng chạy về phía cầu Ghềnh để kiểm tra, còn một nhân viên khác chạy trên hành lang đường sắt về hướng Bình Dương để kịp phất cờ ra tín hiệu dừng tàu khẩn cấp.
Khi thấy tín hiệu dừng khẩn cấp, lái tàu đã phanh gấp, kịp dừng trước cầu Ghềnh vừa sập 200 mét, thoát khỏi tai nạn kép.
|
Theo cơ quan chức năng, dự kiến ngày 15/7 sẽ thông tuyến đường sắt cầu Ghềnh. |
Sự cố sập cầu Ghềnh gây tổn thất nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng đến mạch giao thông đường sắt và đường thủy qua khu vực. Không chỉ vậy, tai nạn còn gây tổn thất về văn hóa, tinh thần. Là một tron nhiều người gắn cuộc sống của mình bên cây cầu lịch sử này, ông Sơn cho biết nên cơ quan chức năng dỡ bỏ, xây mới lại cầu thì hình ảnh về cây cầu cũ chỉ còn là hoài niệm trong tiềm thức của người dân Bửu Hoà.
Liên quan đến vụ sập cầu Ghềnh, ngày 21/3, Công đoàn Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã khen thưởng nóng đối với 3 nhân viên Trạm gác chắn tàu Bửu Hòa vì đã phản ứng nhanh trong việc dừng tàu, tránh tai nạn kép.
Riêng bản thân ông Huỳnh Ngọc Sơn chưa nhận được động viên tinh thần, khen thưởng từ lực lượng chức năng, nhưng người đàn ông 53 tuổi này không đòi hỏi. Ông nói: “Đó là việc ai cũng phải làm. Khi sự cố xảy ra, tôi muốn báo cho nhân viên gác chắn càng nhanh càng tốt để họ có phương án xử lý. Tôi không quan tâm đến việc khen thưởng hay ai khen thưởng”.