Phạt, phạt, phạt
Triển khai kế hoạch số 69 của Ủy Ban ATGT quốc gia, kể từ ngày mai, các lực lượng chức năng sẽ chính thức thực hiện đồng loạt xử lý người ngồi trên xe máy, xe mô tô, xe đạp máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách, mũ bảo hiểm không phải là mũ bảo hiểm theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP.
Trong quá trình thực hiện Nghị định, các lực lượng chức năng sẽ tổ chức tuyên truyền cho quần chúng nhân dân biết được tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; tổ chức ký cam kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm theo đúng với các quy chuẩn, tổ chức nhiều điểm đổi mũ bảo hiểm đúng với quy chuẩn và sẽ nhắc nhở, tuyên truyền đối những người dân tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không phải là mũ bảo hiểm trong những ngày mới triển khai.
|
Từ ngày 1/7/2014, những người ngồi trên xe mô tô, xe đạp máy, xe máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không phải là mũ bảo hiểm sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt. |
Ủy Ban ATGT quốc gia cho biết, đối với những người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận bao gồm vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động và quai mũ sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt từ 100-200 nghìn đồng và tịch thu mũ bảo hiểm rởm, mũ bảo hiểm không phải là mũ bảo hiểm theo quy định.
Thế nào là mũ "xịn"?
Việc triển khai Nghị định 171/2013/NĐ-CP rất khó, bởi nhiều người dân chưa thực sự biết được đâu loại mũ bảo hiểm giả và đâu là loại xịn? Đặc biệt, theo tâm lý của nhiều người tiêu dùng, họ chọn mua những đồ rẻ dù biết rằng, đồ kém chất lượng. Đặc biệt, một số người tiêu dùng chỉ chọn mua mũ bảo hiểm để đội đối phó với lực lượng CSGT.
|
Nhiều người tiêu dùng vẫn khó khăn trong việc phân biệt và lựa chọn mua mũ bảo hiểm xịn. |
Nhiều chuyên gia ngành giao thông cũng khẳng định, việc phân biệt bằng mắt thường sẽ rất khó! Nếu tiêu chuẩn được "định dạng” bằng mắt thường thì sẽ rất dễ đi vào vết xe đổ của năm 2013.
|
"Định dạng" tiêu chuẩn mũ bảo hiểm xịn bằng mắt thường sẽ là rất khó. |
Trả lời về vấn đề này trước đó, Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng Tổ xử lý, Đội CSGT số 1 – Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP Hà Nội cũng cho rằng, để lực lượng CSGT phân biệt mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng và mũ không đạt tiêu chuẩn chất lượng của người tham gia giao thông là rất khó khăn. Bởi khi lực lượng giao thông yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra và xử lý thì phải có một khoảng cách nhất định để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và lực lượng làm nhiệm vụ, vì vậy nếu bằng mắt thường thì rất khó có thể quan sát từ xa đâu là mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
“Giải pháp quan trọng nhất trong vấn đề này là phải xử phạt triệt để các cơ sở sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm rởm, mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không để các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm “lách luật” để sản xuất”, Trung tá Nguyễn Văn Quỹ chia sẻ.
|
Lực lượng CSGT cũng rất khó khăn trong việc phân biệt, xử lý người tham giao thông đội mũ bảo hiểm giả, xịn. |
Có thể thấy rằng, để người dân thực hiện nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm xịn theo đúng với Nghị định số 171/2013/NĐ-CP sẽ là rất khó. Đây sẽ còn là vấn đề nan giải đối với các lực lượng chức năng.
"Để người tiêu dùng có thể nhận biết được mũ bảo hiểm bằng trực quan có thể dựa vào những yếu tố cũng như kết cấu của mũ như: “Đệm hấp thụ xung động, bên trong vỏ mũ (phải đủ rắn chắc, có tác dụng làm giảm chấn động tới đầu người đội) và quai đeo (phải đủ bền chắc, có tác dụng giữ chắc mũ vào đầu người đội).
Bề mặt phía ngoài của vỏ mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh nhọn, sắc. Đầu đinh tán, bu lông không được cao hơn 2 mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ. Nhãn mũ phải có đầy đủ các thông tin gồm: Tên sản phẩm là "Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy"; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (hoặc tên và địa chỉ cơ sở nhập khẩu, xuất xứ - trong trường hợp là mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất; dấu hợp quy CR”, ông Lại Huy Doanh (Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa) cho biết.