Lật tẩy chiêu trò giả điên hòng thoát tội ác tày trời

Google News

Hai đối tượng “tộ Tích” và “Bảo ma túy” cũng đã dùng thủ đoạn giả điên để hòng thoát tội nhưng cuối cùng vẫn phải trả giá bằng bản án thích đáng.

Sự tinh vi của tội phạm là không có giới hạn, kể cả chúng sẵn sàng biến mình thành kẻ điên để trốn tránh tội ác. Thế nhưng, sự quỷ quyệt xảo trá bao nhiêu của tội phạm cũng khó có thể che giấu được lưới trời luật pháp. Hai đối tượng “tộ Tích” và “Bảo ma túy” cũng đã dùng thủ đoạn giả điên để hòng thoát tội nhưng cuối cùng vẫn phải trả giá bằng bản án thích đáng bởi cơ quan tố tụng đã có đầy đủ tài liệu chứng cứ xác định hành vi phạm tội.
Lat tay chieu tro gia dien hong thoat toi ac tay troi
 Đối tượng Hoàng Thế Bảo và tang vật vụ án
Tôi phạm “giả điên”… “vượt ngục”
Có thể nói, khi nhắc đến những đối tượng “giả điên” nhằm trốn tránh tội ác tày trời do chính bản thân gây ra thì không thể không nhắc đến hai biệt danh “Tộ Tích” và “Bảo ma túy”.
Tại đất Cảng Hải Phòng, sau những tay anh chị như Dung Hà, Lâm “già”, Cu Nên… lần lượt bị cơ quan chức năng xử lý, những tưởng như sự bình yên sẽ được trả lại cho nhịp sống vốn có ở thành phố cửa biển này thì vào những năm 2011, cái tên Mai Đức Vượng (tức “Tộ Tích”, SN 1979), trú tại quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đã nổi lên là một đại ca khét tiếng và bắt đầu cuộc đời làm mưa làm gió tại đây.
Lat tay chieu tro gia dien hong thoat toi ac tay troi-Hinh-2
 Đối tượng “Tộ Tích” giả điên nhưng vẫn không thoát tội
“Tộ Tích” đã thu nạp dưới trướng của y lên đến hàng trăm đàn em, đi đâu lúc nào cũng “găm” theo dao, kiếm, súng trong người và sẵn sàng giải quyết các mâu thuẫn làm ăn cho đại ca “Tộ Tích”.
Ngoài nuôi ăn uống, đối tượng này còn trả lương cho đám đàn em bặm trợn để chúng trung thành với mình, khi cần sử dụng là sẵn sàng đổ máu. Còn đối tượng Hoàng Thế Bảo (34 tuổi), trú tại xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang thì khác.
Với bề dày tội ác buôn “cái chết trắng”, nhưng y vẫn tự tin sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật bởi không biết bằng cách nào đó “Bảo ma túy” trang bị cho mình lá bùa hộ mệnh là “bản hồ sơ giả điên”.
Sự tinh vi của “Bảo ma túy” lên đến đỉnh điểm khi ngay trong thời gian đang bị điều trị bắt buộc tại Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương, y vẫn tiếp tục giao dịch ma túy. Mặc dù hai đối tượng không biết nhau, song chúng có cùng một “bài” để hòng trốn tội, đó là “giả điên”.
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao “Bảo ma túy” đang được điều trị bắt buộc nhưng y đã ra ngoài một cách bình thường để giao dịch ma túy, thậm chí còn nhiều lần trốn khỏi nơi cư trú gọi taxi xuống tận Đầm Hà, Quảng Ninh để bàn bạc những phi vụ ma túy lớn, chúng tôi đã tìm đến buồng bệnh số 3, khoa Bắt buộc chữa bệnh, Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương tại huyện Thường Tín, Hà Nội.
Trong khuôn viên của Viện có thể dễ dàng nhận thấy nơi điều trị những bệnh nhân theo chỉ định bắt buộc là không gian khép kín, cách ly hẳn với bên ngoài. Những song sắt được gắn với các bức tường cao, phía trên là nơi các phòng làm việc của lãnh đạo, phía dưới là nơi ở của cán bộ chiến sĩ thuộc đơn vị có người bệnh được phân công theo dõi. Để ra vào phòng làm việc của nhân viên, lãnh đạo viện là cả một vấn đề không đơn giản, mỗi người đều phải dùng vân tay quét từ cánh cửa sắt kiên cố mới mở khóa.
Hơn nữa, qua cửa này, phía trong là bức tường rào sắt hàn chắc chắn mới đến phòng của các bệnh nhân. Vậy nhưng Hoàng Thế Bảo vẫn băng qua được các vòng quản lý nghiêm ngặt để “vượt ngục” ra ngoài tiếp tục phạm tội. Khi bị Công an TP Hà Nội bắt giữ tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đối tượng “Bảo ma túy” đang mang theo chiếc loa thùng trong đó cất giấu một số lượng ma túy lớn.
Qua khai thác, cơ quan công an xác định Bảo vừa lấy của một đầu mối ở Quảng Ninh, khi mang đi tiêu thụ thì bị phát hiện bắt giữ. Tiến hành khám xét khẩn cấp phòng số 3 của Bảo tại Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương, cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện có nhiều gói ma túy chia nhỏ được Bảo cất giấu rất cẩn thuận. Qua đấu tranh khai thác, Hoàng Thế Bảo thừa nhận đã nhiều lần “vượt ngục” đi buôn ma túy, song tuyệt nhiên không khai báo đã ra ngoài bằng cách nào.
“Bùa hộ mệnh” của những tên phạm tội
Trao đổi với ông Dương Văn Lương, Phó Viện trưởng Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương về vấn đề quản lý bệnh nhân tại đây được biết: “Thời điểm hiện tại có gần 100 bệnh nhân bắt buộc điều trị theo chỉ định. Ở đây có đủ các loại đối tượng phạm tội từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng.
Do đó công tác quản lý được giám sát, theo dõi rất chặt chẽ để có phác đồ điều trị cũng như quản lý từng đối tượng để phục vụ công tác điều tra. Vai trò chúng tôi được phân công là hết sức quan trọng nên mọi biểu hiện khác thường của bệnh nhân cũng đều phải được chú ý một cách kỹ lưỡng”.
Cũng theo ông Dương Văn Lương việc quản lý nơi này rất nghiêm ngặt nhưng không ai dám khẳng định sẽ an toàn tuyệt đối bởi tâm lý của người… điên. Do đó tỷ lệ người trốn khỏi nơi điều trị như trường hợp của đối tượng Hoàng Thế Bảo nằm trong 4% theo số liệu thống kê của 20 năm qua.
Trở lại vụ án Hoàng Thế Bảo, vào đầu tháng 5-2016, đối tượng đã bị cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị truy tố về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Diễn biến Hoàng Thế Bảo bỗng dưng “giả điên” bắt đầu từ ngày 3-12-2013, khi Bảo bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tại đây, Hoàng Thế Bảo khai có bệnh án tâm thần nên được trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Từ kết luận của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Hoàng Thế Bảo. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Hoàng Thế Bảo.
Ngày 1-10-2014, Hoàng Thế Bảo được chuyển đến buồng bệnh số 3 khoa Bắt buộc chữa bệnh, Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương điều trị và đã lợi dụng sơ hở trong quá trình quản lý để trốn khỏi buồng số 3.
Sau đó Bảo thuê xe taxi về Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh gặp đối tượng tên Kiên. Tại đây, Kiên và Bảo đã bàn bạc cất giấu ma túy vào loa vi tính vận chuyển lên Hà Nội tiêu thụ nhưng bị tổ công tác Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP Hà Nội phối hợp các đơn vị chức năng bắt quả tang khi đang đi taxi mang theo một chiếc loa vi tính, bên trong cất giấu một túi nilon chứa 496,65 gam ma túy tổng hợp và một số tang vật khác có liên quan đến hoạt động phạm tội.
Còn về “Tộ Tích”, trong một lần truy quét một tụ điểm của Công an thành phố Hải Phòng đã phát hiện và bắt giữ “kẻ điên Tộ Tích” cùng với súng, dao. “Tộ Tích” lý giải cho sự xuất hiện của y tại chốn ăn chơi ấy rằng, y xin các bác sĩ tại Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương để về quê giỗ bố và đến đó để gặp bạn.
Thời điểm đó, cơ quan CSĐT biết rõ mánh khóe của “Tộ Tích” nhưng chưa thể làm gì vì anh ta có lá bùa hộ mệnh là giấy chứng nhận bị điên. Phải đến vài tháng sau, khi cơ quan CSĐT yêu cầu hội chẩn lại bệnh tình của “Tộ Tích” thì kết quả xác định đã ổn định, ngay lập tức lực lượng Công an thành phố Hải Phòng thực hiện lệnh bắt giữ tên tội phạm “giả điên” Mai Đức Vượng.
Tại trại tạm giam, biết không thể tiếp tục “giả điên” để trốn tránh sự trừng trị của pháp luật được nữa, Mai Đức Vượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, trong trạng thái tinh thần hoàn toàn tỉnh táo, tuyệt nhiên không có biểu hiện của bệnh lý…
Một cán bộ điều tra cao cấp thuộc Đội Cảnh sát Hình sự, CAQ Tây Hồ, Công an TP Hà Nội cho biết: “Tội phạm sau khi gây án xong thì bỗng dưng… “giả điên” hiện nay không hiếm. Chúng tôi từng điều tra một vụ việc đối tượng trước đó là sinh viên năm thứ ba một trường đại học rất thông minh, nhiệt tình tham gia các hoạt động hội khóa của trường. Thế nhưng sau khi gây án anh ta trở thành kẻ điên một cách nhanh chóng. Thủ đoạn này là cách tội phạm tinh vi thường dùng nhằm thoát tội, thường gây không ít khó khăn đối với cơ quan điều tra trong công tác điều tra, xử lý. Với thực tế hiện nay, đề nghị cơ quan chuyên môn cần giám sát chéo các khâu liên quan đến việc giám định bệnh án tâm thần tránh việc để lọt tội phạm gây mất trật tự trị an cũng như không làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật”.
Theo ANTĐ

Bình luận(0)