Đổi mới tuyển chọn lãnh đạo: Loại bỏ việc bổ nhiệm người nhà?

Google News

Mở rộng đối tượng tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, Sở, Phòng được dư luận xã hội kỳ vọng loại bỏ "chọn người nhà".

Một trong những điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, Sở, Phòng mà bộ Nội vụ vừa hướng dẫn các địa phương, Bộ, ngành thực hiện thí điểm là mở rộng đối tượng.
Theo đó, người chưa phải Đảng viên vẫn được thi tuyển làm lãnh đạo quản lý. Đây là chủ trương được dư luận xã hội kỳ vọng sẽ loại bỏ việc “chọn người nhà, không chọn người tài”. PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) xung quanh vấn đề này.
Doi moi tuyen chon lanh dao: Loai bo viec bo nhiem nguoi nha?
 
PV: Thưa ông, là người từng đề cập việc triển khai chủ trương thi tuyển lãnh đạo từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ông nhìn nhận việc triển khai thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo lần này thế nào?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ từ cấp Vụ trở xuống trong đề án bộ Nội vụ đang triển khai là một bước tiến trong tuyển dụng cán bộ. Tuy nhiên theo tôi, việc này chưa ngang tầm với đòi hỏi hiện nay.
Thực ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI có nội dung rất hay. Đó là thí điểm tập sự lãnh đạo quản lý và tiến cử nhân tài. Sau đó, Ban Tổ chức Trung ương đã có kế hoạch nhưng đến nay chưa triển khai.
Rõ ràng, việc thi tuyển cán bộ như trên là một bước tiến đổi mới nhưng chưa toàn diện. Tôi nghĩ rằng, bộ máy hành chính cần phải được thi tuyển hết ở các chức danh, từ cán bộ thấp nhất đến cán bộ cao nhất trong bộ máy.
Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ là những chính khách được sàng lọc qua bầu cử, phê chuẩn. Với những đối tượng này, theo tôi cách thức thi là trước tập thể - tức là cơ quan bầu hoặc phê chuẩn ra họ, họ phải trình bày một chương trình hành động. Nếu bảo vệ được chương trình hành động ấy, tập thể mới bầu hoặc phê chuẩn. Cần đo đếm được năng lực cũng như tầm nhìn chính sách của các cá nhân.
Các chức vụ hành chính khác từ cấp Thứ trưởng trở xuống là những người thực thi công vụ, chấp hành pháp luật, thực thi mệnh lệnh. Bản chất của quan hệ hành chính là chấp hành và điều hành – chấp hành luật pháp, chấp hành mệnh lệnh và điều hành hệ thống, cần thi tuyển.
Vấn đề này tôi đã đề cập từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Sau đó, bộ Giao thông Vận tải đã tiên phong thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng. Nhưng rất tiếc sau đó tôi không thấy tổng kết và nhân rộng.
PV: Vậy theo ông, thi tuyển như thế nào sẽ đảm bảo được tính khách quan, chính xác, tuyển chọn đúng người có đức có tài?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Cần thay đổi cách thi tuyển, không nên đem kiến thức phổ biến đã được học hay có sẵn ngân hàng đề thi. Tôi nghĩ cần đưa các cá nhân được thi tuyển vào tình huống cụ thể, những tình huống mà xã hội đang diễn ra, đang cần xử lý.
Thi kiểm tra kiến thức là một việc làm bình thường, nhưng điều quan trọng là kiểm tra được khả năng xâm nhập vào thực tiễn của từng cá nhân. Do vậy, cần tình huống cụ thể, không có trong giáo trình, lấy luôn một vụ việc của cấp, ngành đó đang nổi cộm để yêu cầu giải quyết thấu đáo. Đặt họ vào một cương vị nhất định với tình huống nhất định để xử lý mà không có giáo trình sẵn có nào. Như vậy, buộc mỗi cá nhân bộc lộ năng lực tối đa của mình.
Tôi nhớ xưa kia khi vua Lê Đại Hành kéo quân xuống dẹp Đông Bắc, dừng lại ở huyện Nam Sách (Hải Dương), trong một buổi chiều xem 5 anh em cưỡi ngựa bắn cung đi qua, vào doanh trại vấn đáp về binh pháp xong rồi bổ nhiệm ngay được 5 vị tướng tài. Nhãn lực của người tài rất đặc biệt, người tài sẽ chọn được người tài.
Còn nếu vẫn thi như thi đại học, kiểm tra kiến thức kiểu phổ thông, lý thuyết mà không có tính sáng tạo thì cũng không chọn được người có tầm tư duy để chấp hành và điều hành pháp luật. Do đó, thay đổi bằng hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo là cần thiết.
PV: Một trong những điểm được bộ Nội vụ khẳng định là đổi mới, đó là việc thi tuyển dành cho thành phần không nhất thiết nằm trong quy hoạch. Cá nhân ông đánh giá thế nào?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Đúng là điểm mới “không nhất thiết nằm trong quy hoạch”, nhưng người không trong quy hoạch lại phải được tiến cử bởi cơ quan, đơn vị ấy. Tôi nghĩ đây là điều còn hạn chế. Ngày xưa, vua tuyển trạng nguyên cũng không hề phân biệt giai cấp, là trong hay ngoài quy hoạch. Tôi nghĩ càng phạm vi rộng càng tuyển được người tài.
Do vậy, phải có cái nhìn bao quát và đặt nó trong hoàn cảnh mới thì mới tìm được người tài thực sự đáp ứng yêu cầu công việc. Dù sao, việc bộ Nội vụ đưa ra đề án lần này cũng là một bước tiến nhưng tôi vẫn cho rằng lần này, chưa đáp ứng được với đòi hỏi bức xúc hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dương Thu/Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)