Ngày 5/10, hàng ngàn con cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bỗng nhiên nổi đầy kênh đoạn chạy qua quận Tân Bình và quận 3, TP.HCM.
Theo quan sát, các loại cá chép, cá rô, cá điêu hồng đủ kích cỡ nổi đầu lên mặt nước, bơi khá yếu dọc dòng kênh kéo dài nhiều km.
Tại một số khu vực cá nổi nhiều có những chỗ nước sôi, sủi bọt đen. Nhiều người đi đường hoặc tập thể dục bên dòng kênh bày tỏ lo lắng về sự việc, nhiều người cho rằng có thể do nước bị ô nhiễm. Có nhiều đoạn xác cá chết nổi trắng kênh xen cùng rác thải. “Cá nổi đầu lên nhiều thường sau mỗi trận mưa, nước bẩn cuốn xuống dòng kênh khiến cho cá khó hô hấp. Cá chết thực sự nhìn rất xót” - một người dân sống ven bờ kênh nói.
Sáng 5/10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm và ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, đã đi kiểm tra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn qua quận Tân Bình, nơi có hiện tượng cá nổi bất thường trên mặt kênh. Thời điểm đoàn kiểm tra có mặt không có hiện tượng cá chết như những lần trước.
|
Cá đủ chủng loại nổi đầy kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và cá đã chết rải rác.
|
Ngoài ra, trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua các quận 1, quận 3 không có cá nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, tại khu vực các cầu số 2, 3, 4, 5 bắc ngang kênh (thuộc quận Tân Bình) cá tập trung thành từng cụm, từng đàn ngoi ngóp thở. Tại những khu vực này, rất dễ nhận thấy những đàn cá đang vật vờ trong dòng nước kênh đen ngòm, nhiều rác đóng thành từng cụm chi chít, có nơi còn bốc lên mùi hôi rất nặng.
Trưa cùng ngày, nhân viên Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM đã tiến hành vệ sinh kênh, rải bột tăng độ ôxy trong nước, làm sạch nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để không xảy ra tình trạng cá chết do thiếu ôxy...
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết Sở đã lấy mẫu nước kênh phân tích, xác định chỉ tiêu ôxy hòa tan (DO) thấp, không đủ điều kiện để cá có thể sống tốt. Do đó, cần phải thực hiện nhiều giải pháp như thả hóa chất tạo ôxy hòa tan trong nước. Bên cạnh đó, cũng cần vét bùn, tạo tuần hoàn nước ở kênh ở thượng nguồn và cuối nguồn.
Theo ông Thắng, thường sau mỗi đợt mùa nắng chuyển sang mùa mưa, có hiện tượng tích tụ các chất có hại trong hệ thống cống và sau đó chúng dồn ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, gây nên tình trạng thiếu ôxy trong nước, làm cá chết. “Hiện qua kiểm tra chưa phát hiện các cơ sở xả nước thải ô nhiễm vào hệ thống cống thu gom nước của hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát vấn đề này” - ông Thắng nói.
Trước đó, vào giữa tháng 5, tình trạng cá chết hàng loạt trên kênh này đã xuất hiện. Cơ quan chức năng đã huy động lực lượng để vớt cá xuyên đêm. Theo thống kê, lượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã lên đến hàng chục tấn.
Cá chết trắng Đà Nẵng do thiếu ôxy
Ngày 5/10, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP Đà Nẵng, cho hay qua đo nồng độ nước tại khu vực kênh Đa Cô (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) và có kết luận ban đầu cá chết là do thiếu ôxy. “Nhưng vì sao dẫn đến việc thiếu ôxy, cá chết thì chưa thể trả lời được vì chưa có kết quả kiểm nghiệm” - ông Vinh nói.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, trong hai ngày 1 và 2/10, cá chết nổi trắng kênh Đa Cô. Khu vực cá nổi chết trắng cả một đoạn kênh nằm cách Nhà máy nước giải khát Coca-Cola Liên Chiểu khoảng 300 m.
Ghi nhận của PV tại khu vực kênh Đa Cô này có màu nước đen kịt. Khu vực kênh từ trên Nhà máy Coca-Cola thì không có hiện tượng cá chết nhưng đoạn kênh nằm phía hạ nguồn cống xả nhà máy thì có cá chết. Ông Trần Thanh Tài (tổ trưởng tổ dân phố 142, phường Hòa Minh) cũng khẳng định đã đi kiểm tra toàn tuyến kênh và thấy cá chỉ chết phía dưới cửa xả của Nhà máy Coca-Cola.