Ăn cá chết ở miền Trung nguy hại sức khỏe thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - "Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung có thể do chất cực độc, nếu người dân ăn phải cá nhiễm độc sẽ rất nguy hiểm", GS. TSKH. Lê Huy Bá khuyến cáo.

Liên quan đến vụ cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản l‎ý Môi trường thuộc Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo nếu người dân ăn phải sẽ bị nhiễm độc, rất nguy hiểm.
Theo GS Lê Huy Bá, nguyên nhân cá chết tại 4 tỉnh miền Trung chỉ có thể do "chất cực độc" gây ra chứ không thể do chỉ tiêu phú dưỡng, thiếu oxy như  Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế  nhận định trước đó.
“Trong hồ thì có thể có chuyện phú dưỡng làm cá chết, nhưng nếu là ven biển thì không thể vì biển là môi trường giao lưu, có gió và sóng, lượng oxy không thiếu hụt như vậy, mà chắc chắn là chất cực độc, từ mức trung bình trở lên, nên mới gây chết nhanh như vậy", ông Bá phân tích.
An ca chet o mien trung nguy hai suc khoe the nao?
 Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản l‎ý Môi trường thuộc Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh . Ảnh: Internet.
Trước đó, Tổng cục Môi trường xác định Formosa súc xả đường ống nhưng không thông báo cho địa phương. Khi nhìn vào danh sách các hóa chất mà Formosa mua để súc xả đường ống xả thải, GS. Bá khẳng định đây là những loại nếu dùng trực tiếp thì gây độc ngay.
“Tất cả các hóa chất này, chỉ trừ một số chất làm sạch nước, chống khuẩn, còn lại chất chống gỉ, chống ăn mòn, khử trùng, trung hòa... đều gây độc. Thành phần rất giàu kim loại nặng, rất giàu hóa chất mạch vòng và chất điện tử tự do, gây độc kinh khủng. Nó có thể tạo ra các hợp chất cơ kim rất bền trong nước và rất khó giải độc", ông Bá nói.
Mặc dù chưa thể kết luận được chất độc nào đã khiến cá chết trên diện rộng như vậy vì cần phải “lấy mẫu chất thải, phân tích chất thải là độc chất gì” nhưng ông Bá khuyến cáo nếu người dân ăn phải cá chết do nhiễm độc sẽ rất nguy hiểm.
"Sức chịu đựng của cá khá lớn. Nhất là động vật thủy sinh ở tầng đáy, nó có thể chịu được nhiều kim loại nặng và nó có thể thay đổi hành vi sống và vươn đi chỗ khác ngay lập tức. Nhưng nếu người ta ăn phải cá nhiễm độc thì rất nguy hiểm, như chúng ta uống vào một lượng, làm cho lượng chất độc ảnh hưởng tích tụ trong cơ thể tăng nhanh chóng và gây độc ngay", ông Bá giải thích.
Trước đó, một bé gái đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy khi được gia đình cho ăn phải loại cá chết bất thường trôi dạt trên bờ biển. Cụ thể, sáng 20/4, Trạm Y tế xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân Trần Thanh Thủy (8 tuổi, người địa phương) vào cấp cứu trong tình trạng ngộ độc thực phẩm.
T.V

>> xem thêm

Bình luận(0)