Kỳ quan cổ tự giữa tầng không
Là một tôn giáo lớn có từ 230 - 500 triệu Phật tử trên toàn thế giới, Phật giáo có vô số ngôi chùa ở khắp hành tinh, nhưng những nơi được coi là linh thiêng nhất, sở hữu huyền sử lâu đời nhất phần nhiều là những cổ tự toạ lạc trên các đỉnh núi mây ngàn. Có thể kể đến tu viện Taktsang Palphug nằm cheo leo bên vách đá cao 3.120 m ở Bhutan; chùa Đá Vàng nằm trên rìa của tảng đá dát vàng hình quả trứng khổng lồ, cách mực nước biển 1.100m tại Myanmar và tất nhiên không thể bỏ qua Tây Tạng nơi được coi là “Cực thứ 3 của thế giới” ở độ cao 4000m so với mặt nước biển.
|
Tu viện Taktsang Palphug, Bhutan. |
Sự linh thiêng của các “sơn tự” có lẽ bắt nguồn từ truyền thống tôn thờ núi rừng của loài người. Không chỉ sở hữu độ cao hùng vỹ vươn tới trời xanh, là nơi mây vờn gió hú, sấm sét vần vũ cùng sự âm u, tịch mịch đầy thần bí của những cánh rừng, những ngọn núi cao còn mang đến nguồn nước, thức ăn và cả những bài thuốc cho sự sống của loài người. Vì thế mà con người từ ngàn xưa cho đến ngày nay, từ mọi nền văn hoá, tôn giáo đều nhìn nhận các đỉnh núi là nơi thiêng liêng, là cầu nối đến các thánh thần.
Phương Tây có đỉnh Olympus mà theo Thần thoại Hy Lạp là nơi ngự trị của 12 vị thần Olympia. Núi Sinai của Ai Cập lại là nơi Moses nhận được 10 lời răn như Kinh thánh đã viết. Đỉnh Machu Picchu toạ lạc ngôi đền Mặt trời thần bí. Đỉnh Phạm Tịnh tại Trung Quốc từ lâu đã trở thành đạo tràng của Phật Di Lặc. Còn Núi Kailash được 4 tôn giáo cho là nơi của các thánh thần.
|
Tây Tạng - nơi được coi là “Cực thứ 3 của thế giới” |
Ở những đỉnh núi thiêng đó, theo chiều dài lịch sử, các ngôi đền, chùa được dựng lên như một cánh cổng kết nối con người với thần linh, để dân chúng gửi những lời nguyện cầu, lập những đàn cúng tế đất trời, thần Phật. Bên cạnh đó, sự yên tĩnh biệt lập cùng cảnh sắc thiên nhiên vi diệu và bầu không khí thanh khiết của núi rừng cũng là lý do nhiều đạo sĩ, thiền sư lựa chọn các “sơn tự” ẩn mình giữa non cao làm chốn tu tập, thiền định với mong muốn đắc đạo tu tiên hay về với cõi niết bàn. Chốn “linh sơn cổ tự” vì vậy mà càng thêm huyền hoặc, nhiệm màu.
Là sự tổng hoà vô giá của vẻ đẹp kiến trúc và thiên nhiên, giữa giá trị tôn giáo, văn hoá và lịch sử, rất nhiều “linh sơn cổ tự” trên thế giới như quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang, quần thể chùa và thiên nhiên núi Phạm Tịnh, tu viện Taktsang Palphug… đã được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO, được coi là những kỳ quan mới của nhân loại.
Linh thiêng những nếp chùa Việt trên non
Tại Việt Nam, quốc gia có nền văn hoá Phật giáo đã cắm rễ rất sâu từ cả 20 thế kỷ trước, không thiếu những quần thể văn hoá tâm linh được xây dựng trên những ngọn núi cao hùng vỹ như Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh), quần thể danh thắng Tây Thiên tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hay chùa Bà Đen trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh)... Đây đều là những quần thể chùa trên núi linh thiêng, có ý nghĩa quan trọng với đời sống tâm linh của người Việt từ cả trăm năm nay.
|
Kim Sơn Bảo Thắng tự trên đỉnh Fansipan. |
Và nhiều năm trở lại đây, Phật tử, du khách thập phương thường tìm về đỉnh thiêng Fansipan- nơi có quần thể tâm linh với cụm 12 công trình trải dài từ độ cao 1600m lên tới khu vực đỉnh, mang dáng chùa Việt thế kỷ 15-16, được tạo dựng kỳ công giữa mây ngàn, núi biếc.
Hành trình ấy được bắt đầu từ Bảo An Thiền Tự tọa lạc ngay tại ga đi cáp treo Fansipan. Từ đây, Phật tử và du khách bắt đầu chuyến du hành bằng cáp treo để tới chốn thiền môn thanh tịnh nơi “cổng trời”.
Cảm giác đầu tiên khi rời cáp treo để đặt chân tới quần thể tâm linh Fansipan là một sự thân quen, gần gũi, bởi các công trình đều mang bóng dáng của những tiền mẫu di tích chùa gỗ có niên đại sớm như chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội)…
|
Dáng chùa Việt cổ trên “Nóc nhà Đông Dương”. |
Nhưng khi được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình như Đại tượng Phật A Di Đà cao sừng sững 21,5m ghép từ hàng ngàn vạn miếng đồng dầy chỉ 5mm trên một khung thép; thác nước 9 tầng khổng lồ với 150 bậc đá dốc đứng; tượng Phật bà Quan Âm bằng đồng cao 9 m hay Bảo tháp 11 tầng tại Kim Sơn Bảo Thắng tự, du khách mới thấy, quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan xứng đáng là những kiệt tác, không chỉ bởi kiến trúc, mà chính bởi sự kỳ công của những người đã kiến tạo nên các công trình.
Hàng chục ngàn tấn đá nguyên khối và vật liệu xây dựng, hàng ngàn mét khối gỗ đã được chuyển lên đỉnh núi cao nhất Đông Dương bằng sức người và sau này là bằng một hệ thống cáp treo công vụ thô sơ giữa thời tiết khắc nghiệt, mà Giáo sư- Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người thiết kế quần thể tâm linh Fansipan đã gọi đó là một “kỳ tích” vô tiền khoáng hậu của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
|
Fansipan giờ đây là chốn tâm linh tìm về của hàng triệu du khách và Phật tử mỗi năm. |
Nếu như trước kia, núi rừng Hoàng Liên là hiện thân của sự hùng vỹ, hiểm trở, là những đỉnh cao chinh phục, thì nay sự quyện hoà giữa kiến trúc tâm linh và thiên nhiên vi diệu đã phủ lên đại ngàn một vẻ đẹp thoát tục tựa chốn tiên cảnh bồng lai. Không chỉ còn là đỉnh núi cao nhất, Fansipan giờ đây là đỉnh núi linh thiêng và kỳ vỹ, là chốn tâm linh tìm về của hàng triệu du khách và Phật tử mỗi năm, nhất là những dịp đầu xuân năm mới.
Mỗi bậc đá trên đỉnh Fansipan là một điểm dừng chân, để du khách và Phật tử được tĩnh tâm chiêm nghiệm vẻ đẹp vi diệu của thiên nhiên, non sông gấm vóc Việt Nam, cảm thán trước sự kỳ công của con người và cũng cảm nhận sự thiêng liêng của đất trời, ở nơi Nóc nhà Đông Dương.