Điểm mặt “lùm xùm” mang tên Viettel

Google News

(Kiến Thức) - Là doanh nghiệp có doanh thu cao nhất trong ngành viễn thông, vượt cả VNPT nhưng Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel không tránh khỏi những "lùm xùm" không đáng có.

Chất lượng dịch vụ 3G bị chỉ trích

Những ngày qua, một số báo mạng đã phản ánh về hiện tượng "thuê bao D-com 3G" và thuê bao di động Viettel khi truy nhập vào một số trang báo điện tử và website gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, ngày 21/3, báo điện tử Dân trí có đưa tin "Thuê bao Viettel không thể đọc báo bằng dịch vụ 3G". Bài báo cũng nêu, có một điểm chung là tất cả những website này đều đặt server tại Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC.

Ngay khi có thông tin từ ngày 1/3, tất cả các thuê bao Dcom-3G của Viettel không truy nhập được vào nhiều trang web hiện đang hosting tại VDC như: nhaccuatui.com, dantri.com.vn, ongame.vn, sgame.vn, kenh14.vn, tamtay.vn, thapthanh.net, cafef.vn... VDC đã thực hiện các cuộc gọi test (kiểm tra) tới Tổng đài hỗ trợ của Viettel 19008198.

 Thuê bao 3G Viettel rất khó truy cập vào trang web Dân trí 
 iPhone 4S sử dụng gói cước 3G MIMAX của Viettel gần như không thể truy cập vào báo Dân trí. (Ảnh chụp màn hình điện thoại chiều 21/3).

Viettel trả lời khiếu nại của khách hàng 3G như sau: “Do VDC quản lý trang Web nhaccuatui.com và chặn khách hàng 3G của Viettel nên khách hàng không truy nhập vào trang đó và do Viettel đang tiến hành thỏa thuận lại dịch vụ với VDC".

Đến ngày 22/3, một số website trên đã có thể truy nhập bình thường từ thuê bao 3G của Viettel, tuy nhiên hiện tượng trên vẫn còn diễn ra tại trang web: dantri.com.vn, khách hàng truy nhập vào trang này vẫn chậm và có lúc không thể truy nhập được. 

Sau Dân trí, đến lượt báo Nhân dân điện tử cũng có phản ánh về vấn đề tương tự. Đến lúc này, Viettel phải lý giải rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do "đang trong quá trình chuyển đổi hệ thống và phát sinh lỗi". Đại diện Viettel nói sẽ rút kinh nghiệm về vấn đề này.

Một số chuyên gia cho rằng, sự cố này là do Viettel giảm lưu lượng đường truyền về hệ thống của VDC để chặn bạn đọc truy nhập vào các website có máy chủ đặt tại công ty này. 

Dù Viettel đã đưa ra lời giải thích nhưng vẫn không làm hài lòng khách hàng, thậm chí còn khiến họ bị tổn thương. Bởi lẽ, khi sự cố xảy ra, Viettel không đưa ra lời cảnh báo, chỉ dẫn cụ thể cho khách hàng, hướng dẫn cách khắc phục mà lại "đá quả bóng" sang doanh nghiệp mà các tờ báo đặt hosting.

Viettel bị "tố" cạnh tranh không lành mạnh

Trước Tết Nguyên đán 2013, Hanoi Telecom - chủ sở hữu của Vietnammobile gửi tới Bộ Thông tin - Truyền thông, đã gửi công văn kiến nghị "hai ông lớn" Viettel và VNPT độc quyền trong kinh doanh mạng di động. Theo đại diện Hanoi Telecom, với vị trí thống lĩnh thị trường viễn thông, Viettel cùng với VNPT đang “làm khó” các mạng nhỏ, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. 

Nhà mạng Vietnamobile cho biết, đến thời điểm này, Viettel cùng với VNPT tiếp tục đơn phương cắt giảm dung lượng đấu nối dịch vụ VoIP chiều về của Hanoi Telecom với lý do phân lại hạn ngạch (quota) cho các doanh nghiệp nhỏ mà không hề có sự đồng thuận, thống nhất của các doanh nghiệp. Ngày 28/1, Viettel khóa giảm 1E1 của Hanoi Telecom, dung lượng đấu nối sang Viettel giảm từ 7E1 xuống còn 6E1. Viettel thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm xuống còn 5E1 kể từ ngày 1/2.

 Viettel liên tiếp bị tố cạnh tranh không lành mạnh. Ảnh: Internet

Trước đó, cả Vietnamobile và GTel Mobile đã “tố” Viettel tăng giá thuê kênh truyền dẫn lên tới 300%, chèn ép mạng nhỏ. 

Hồi đầu năm 2006, Bưu điện tỉnh Bắc Kạn cũng có công văn phản ánh việc Viettel vi phạm luật cạnh tranh. Theo công văn, số báo Bắc Kạn ra ngày 6/1/2006 có đăng quảng cáo cho dịch vụ viễn thông của Viettel, trong đó có bảng so sánh với giá cước dịch vụ của VNPT để khách hàng thấy được ưu điểm dịch vụ của mình.

Bưu điện tỉnh Bình Thuận cũng có lần phản ánh chuyện nhân viên của Viettel đến nhà khách hàng lắp thiết bị chuyển đổi các cuộc gọi đường dài sang dịch vụ VoIP 178 của họ. Tuy nhiên, phía Viettel lại cãi rằng, nếu không có sự đồng ý của khách hàng sẽ không ai dám tự tiện vào nhà thân chủ để lắp đặt cả.

Viettel sai phạm về tài chính, đầu tư...

Đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ (TTCP) từng có kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của Viettel. Kết quả thanh tra cho thấy Viettel đạt được nhiều thành công trong sản xuất kinh doanh, đóng góp lớn vào an ninh, quốc phòng… Tuy nhiên, tập đoàn này đã vi phạm công tác thuế, sai phạm về tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản tại một số đơn vị trực thuộc, khuyến mãi…

Cụ thể, năm 2008, Viettel chưa hạch toán doanh thu khuyến mãi trên 533 tỉ đồng, đồng thời kê khai thiếu trên 53,3 tỉ đồng tiền thuế GTGT đầu ra về khuyến mãi sản phẩm dịch vụ cho khách hàng theo quy định. 

Tập đoàn đã kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào của số vật tư do tập đoàn chuyển nhượng vốn đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (VTG) không đúng quy định theo Thông tư 129/2008 của Bộ Tài chính với số tiền là 669 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2007 đến 2010, Viettel cung cấp cho VTG một số vật tư thiết bị nhưng chưa hạch toán kịp thời, đầy đủ như xuất bán thiết bị cho VTG với giá trên 10 triệu USD nhưng chưa xuất hóa đơn thuế GTGT… 

TTCP cũng yêu cầu Viettel thu hồi 7,7 tỉ đồng tiền lãi của Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex (Vinaconex) theo thỏa thuận mua bán cổ phần giữa Viettel với Vinaconex từ năm 2009. Theo TTCP, đây thực chất là hợp đồng vay vốn mà Vinaconex phải trả tiền lãi vay cho Viettel. Ngoài ra, TTCP đề nghị Viettel thu về trên 30,89 tỉ đồng nguồn thu cổ phần hóa tại 2 đơn vị và phải tính cả lãi do chậm thu. TTCP cũng làm rõ việc Công ty TNHH Viettel - CHT chưa tiến hành đầu tư và hoạt động kinh doanh tại khu công nghệ cao nhưng đã kê khai là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư tại đây, vì vậy phải truy thu số tiền được hưởng ưu đãi sai quy định là 2,181 tỉ đồng.

TTCP cũng làm rõ và yêu cầu Viettel phải nộp vào Quỹ Viễn thông công ích trên 924,23 tỉ đồng, trong đó có trên 922 tỉ đồng năm 2010 tập đoàn này đã hạch toán vào chi phí nhưng đến nay chưa nộp.

Vi phạm về đăng ký thông tin thuê bao trả trước, Viettel bị phạt 70 triệu đồng

Vào tháng 1/2013, theo kết luận thanh tra đột xuất việc chấp hành quy định về quản lý thuê bao di động trả trước do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ công an thực hiện, Viettel bị phạt 70 triệu đồng trong thời điểm đầu năm nay.

 

Biên bản thanh tra cho biết, qua kiểm tra việc thực hiện triển khai thực hiện đối soát số liệu thông tin thuê bao trả trước sử dụng chứng minh thư do công an TP HCM cấp để đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, Viettel đã có hành vi chấp nhận giấy tờ không đúng khi tiếp nhận thông tin đăng ký thuê bao; ký hợp đồng ủy quyền tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước với các đại lý chưa đáp ứng đủ các điều kiện tối thiểu về điểm đăng ký.

Thậm chí các doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu từ chối việc cung cấp dịch vụ đối với chủ thuê bao không đăng ký lại thông tin khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu bằng văn bản.

Dù gặp phải những chuyện không hay, cũng đã từng bị "tố" vi phạm luật cạnh tranh và cũng đã phải nộp phạt, nhưng không thể phủ nhận những gì mà Viettel đã làm được cho viễn thông Việt Nam. Trong năm 2012, tổng doanh thu của Viettel là 140.058 tỷ đồng, đạt 100,04% kế hoạch, tăng 22.720 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước thực hiện 10.394 tỷ đồng, tăng 1.103 tỷ đồng...

TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

Hải Sơn (tổng hợp)

Bình luận(0)