Bóc trần bộ mặt thật của các “ông lớn” ở Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) Những ngày cuối năm có vẻ như là "vận xui" của nhiều "ông lớn" khi hàng loạt các tên tuổi dính ’vết nhơ" về trốn thuế, "né" thuế Nhà nước.

Cocacola, Pepsi “rủ nhau” trốn thuế?

Mặc dù ra nhập thị trường Việt Nam từ rất lâu nhưng hai “ông lớn “ sừng sỏ trong ngành công nghiệp giải khát thế giới là Cocacola và Pepsi đều chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam.

Theo báo cáo hoạt động kinh doanh của công ty Coca-cola tại cục thuế TP.HCM, trong nhiều năm có mặt tại thị trường Việt Nam công ty này liên tục thua lỗ với con số lỗ trung bình mỗi năm lên tới 100 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2011, Coca-Cola đã lỗ lũy kế lên tới 3.768 tỷ đồng.

Mặc dù báo cáo tài chính của công ty Coca-cola Việt Nam trong nhiều năm đều thuộc diện lỗ nhưng công ty này vẫn liên tục mở rộng sản xuất. 

Dân tình đang hô hào nhau tẩy chay Cocacola vì "nghi án" trốn thuế của
doanh nghiệp này

Chính những “mâu thuẫn” khó hiểu trong đầu tư của Cocacola khiến cơ quan thuế của TP HCM phải đưa doanh nghiệp này vào tầm ngắm. Nghi vấn được đặt ra là phải chăng Coca-cola Việt Nam trong nhiều năm qua đã lợi dụng “chiêu” nhập nguyên liệu độc quyền từ công ty mẹ với giá cao, điều các công ty khác không làm được để nâng chi phí sản xuất nhằm đối phó trong việc nộp khoản tiền thuế khổng lồ.

Không chỉ riêng Cocacola, Công ty PepsiCo Việt Nam cũng báo lỗ liên tục, kể từ khi thành lập đến năm 2010, số lỗ của công ty này lên tới 1.206 tỷ đồng nên cũng không phải đóng một đồng thuế nào cho nhà nước Việt Nam.

Ngày 12/12 vừa qua, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách Tổng cục Thuế cho biết sẽ sớm thanh tra hai “ông lớn” này về “nghi án” trốn thuế.

Đại siêu thị Metro cũng “rút ruột”...

Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN hay chính là ông chủ của chuỗi siêu thị bán sỉ khổng lồ tại Việt Nam - Metro cũng dính vào “nghi án” chuyển giá, trốn thuế bởi sau 11 năm có mặt tại Việt Nam, “đại gia” này đã mở rộng đến 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước nhưng do lỗ nên chưa nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. 

"Đại siêu thị" Metro liên tục báo lỗ kể từ khi đặt chân tới Việt Nam.

Cụ thể, từ năm 2007 đến 2009, Metro liên tục báo lỗ. Từ khi thành lập (2001) đến nay, chỉ duy nhất năm 2010 công ty này khai có lãi 116 tỉ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên đến nay doanh nghiệp này cũng chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đến năm 2011 Metro lại khai lỗ 89 tỉ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến lỗ triền miên của Metro được khai báo là do…mở rộng đầu tư đã nằm trong đề án từ khi thành lập.

Do nhiều năm thua lỗ, đến nay Metro Cash & Carry VN đã lỗ lũy kế 598 tỉ đồng, sau khi chuyển lỗ qua các năm thì đến năm 2012 số lỗ còn tỉ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD.
Việc thua lỗ triền miên nhưng vẫn rót vốn mở rộng đầu tư hàng loạt cơ sở mới tại Việt Nam khiến Metro bị đưa vào tầm ngắm trốn thuế. Thời gian tới, doanh nghiệp này cũng sẽ bị Tổng cục Thuế điều tra làm rõ cùng với Cocacola, Pepsi.

Chiêu “né” thuế của “đại gia hàng hiệu” Adidas

Mới đây, Tập đoàn hoạt động xuyên quốc gia Adidas cũng bị Cục Thuế TP.HCM đã tiến hành thanh tra do nghi ngờ có dấu hiệu giao dịch liên kết.  Hoạt động theo giấy phép kinh doanh là phân phối bán buôn nhưng Công ty TNHH Adidas Việt Nam lại phát sinh hàng loạt chi phí của nhà bán lẻ. Đây là cách chuyển giá theo phương thức liên kết giữa các công ty “con” của Adidas “mẹ” nhằm tìm cách né thuế tại Việt Nam. 

 Adidas bị cơ quan thuế "sờ gáy" do nghi ngờ có dấu hiệu giao dịch liên
 kết để "né" thuế

Kết quả thanh tra cho thấy có rất nhiều khoản chi phí bất hợp lý được trả cho các đối tác là những đơn vị có giao dịch liên kết với Adidas Việt Nam. Trong đó nổi bật nhất là “chi phí tiếp thị quốc tế”.

Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm của Adidas còn bị đội lên do khoản chi phí quản lý. Nếu các doanh nghiệp khác chỉ có một chi phí vùng thì Adidas có hàng loạt nấc quản lý từ Việt Nam,   Singapore, Đức.

Nghịch lý hơn, dù có đầy đủ tư cách để nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ nước ngoài nhưng Adidas Việt Nam lại phải thuê đối tác khác là Adidas International Trading B.V thay mặt Adidas Việt Nam thực hiện các dịch vụ như tìm nhà sản xuất cho hàng hóa liên quan, tìm nguồn cung ứng mẫu, đặt đơn hàng, kiểm tra vật liệu, thành phần hàng hóa, giám sát sự tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý...
 
Ngoài ra, Adidas còn có hàng loạt những chi phí vô lý khác như tiền bản quyền, hỗ trợ vật dụng cho nhà bán lẻ…Mỗi khoản phí nêu trên hằng năm ngốn của Adidas Việt Nam số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Chi phí này do người tiêu dùng Việt Nam “gánh” nhưng ngân sách thất thu vì lợi nhuận được chuyển lòng vòng qua các đối tác rồi chảy về túi công ty mẹ.
 
Nghi án chuyển giá của “đại gia” BĐS Keangnam-Vina

Sau Cocacola, Pepsi, Metro, Adidas, đến lượt “đại gia” bất động sản Keangnam-Vina (Hàn Quốc) bị cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm vì có nghi vấn chuyển giá, giao dịch liên kết.

Hiện cơ quan thuế đang nghi ngờ Cty TNHH một thành viên Keangnam-Vina (100% vốn nước ngoài thuộc Tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc) đã chuyển lợi nhuận sang công ty mẹ thông qua giao dịch liên kết.

 "Đại gia" BĐS Keangnam cũng nằm trong "danh sách đen" về trốn thuế

Theo đó, tháng 5/2007, khi thực hiện đầu tư dự án căn hộ cao cấp Keangnam Hanoi Landmark Tower, Keangnam-Vina vay vốn từ ngân hàng Kookmin bank (Hàn Quốc) - thành viên trong cùng tập đoàn - với tổng vốn vay 400 triệu USD và phải trả lãi vay bình quân các năm tới 12%/năm, cao hơn cả lãi vay USD ngân hàng Việt Nam (khoảng 5-7%/năm).

Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó trưởng ban cải cách (Tổng cục Thuế), Keangnam-Vina đã vay vốn của ngân hàng cùng tập đoàn với lãi suất cao, trả trước chi phí dàn xếp vốn vay cho công ty mẹ, tức là có giao dịch giữa 3 đơn vị cùng tập đoàn. Đây là một căn cứ để cơ quan thuế nghi vấn dấu hiệu chuyển giá.

Năm 2011, Cty Keangnam-Vina bắt đầu có doanh thu từ dự án Landmark Tower, đạt trên 5.200 tỷ đồng, nhưng Cty này báo lỗ hơn 140 tỷ đồng. Trong hơn 5 năm đầu tư, Keangnam-Vina liên tục báo lỗ vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Đến hết năm 2011, tổng số lỗ lũy kế lên tới 277 tỷ đồng. Do thua lỗ nên Keangnam-Vina chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoại trừ đóng thuế VAT, thuế sử dụng đất “không đáng kể”.

Trước những dấu hiệu bất thường, từ tháng 9-2012, Cục thuế TP Hà Nội đã tiến hành thanh tra thuế, đặc biệt là hoạt động chuyển giá tại Cty Keangnam-Vina.

Tập đoàn “nội” Bảo Long cũng trốn thuế hàng chục tỷ đồng

Không chỉ có các “ông lớn” với vốn đầu tư nước ngoài dính “nghi án” trốn thuế. Tập đoàn trong nước Bảo Long cũng vừa bị phanh phui số tiền trốn thuế lên tới hàng chục tỷ đồng. 

Tập đoàn "nội" Bảo Long trốn thuế hàng chục tỷ đồng

Bảo Long đã “làm xiếc” ngay ở khoản mở sổ, ghi chép hạch toán kế toán để tìm cách trốn thuế.

Sau nhiều tháng thanh tra, Cục Thuế TP Hà nội đã yêu cầu Bảo Long phải nộp lại số thuế cộng với tiền phạt lên tới 1,9 tỉ đồng. Trong đó, thuế GTGT và thuế Thu nhập doanh nghiệp Bảo Long đã cố tình gian lận trong 3 năm là gần 1,5 tỉ đồng.

Doanh nghiệp này còn phải chịu 2 khoản phạt do trốn thuế, chậm thuế lên tới hơn 462 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp có giá trị pháp lý và được thực hiện thì số thuế thu nhập cá nhân (tạm tính theo tỷ lệ vốn góp của từng cá nhân) phải nộp là gần 37 tỉ đồng nhưng hiện tại hoạt động này chưa kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước.

Như vậy, tổng số tiền thuế tại Tập đoàn Bảo Long phải nộp cho nhà nước lên tới gần 40 tỷ đồng nhưng các cá nhân và doanh nghiệp này vẫn cố tình “lờ” đi.

N.Đ (tổng hợp)

Bình luận(0)