Bàn chải đánh răng là một nơi ưa thích trú ngụ của vi khuẩn, nếu không để ý, đây chính là mầm mống gây nên bệnh tiêu chảy.
100 triệu con vi trùng
Theo các nhà khoa học của trường Đại học Manchester (Anh), bàn chải đánh răng là một ổ vi trùng. Mỗi chiếc bàn chải để trong buồng tắm có thể chứa đến hơn 100 triệu con vi trùng, trong đó có cả khuẩn E.coli gây tiêu chảy và khuẩn tụ cầu gây nhiễm trùng da. Đánh răng giúp loại bỏ mảng bám, thứ được coi là mảnh đất màu mỡ nhất cho các vi khuẩn có hại trong khoang miệng.
Nhưng sẽ là tai họa nếu sử dụng bàn chải đánh răng của người khác hoặc cho người khác sử dụng bạn chải đánh răng của mình. Việc này làm lây chéo và phát tán các loại vi khuẩn lạ mà cơ thể chưa có khả năng đề kháng. Khi đánh răng có thể làm tổn thương nướu (lợi) và việc nhiễm khuẩn lạ hay lây truyền những loại virus từ người khác là hoàn toàn có thể xảy ra.
TS Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cho biết, trong chiếc bàn chải đánh răng chắc chắn chứa rất nhiều vi khuẩn. Đa phần các vi khuẩn này đã thích nghi trong từng cơ thể của mỗi người. Tuy nhiên, đa phần chỉ để ý vệ sinh răng mà quên mất vệ sinh bàn chải đánh răng, trong khi đây là nơi chứa nhiều vi khuẩn với những nguy cơ lây nhiễm nghiêm trọng. Có những bệnh nhân bỗng nhiên bị tiêu chảy mà không tìm ra nguyên nhân từ thức ăn, rất có thể từ chính chiếc bàn chải đánh răng được coi là rất sạch sẽ này.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là giữ nhà vệ sinh luôn sạch sẽ là yếu tố đầu tiên để loại bỏ nguy cơ mắc bệnh mà không rõ nguyên nhân. Chiếc bàn chải đánh răng có thể lây nhiễm HIV nếu sử dụng bàn chải của người bị mắc HIV, vì thế người ta khuyến cáo không nên sử dụng chung bàn chải. Tuy nhiên, rất nhiều loại vi khuẩn mà cơ thể đã có sẵn cơ chế thích nghi, nên thông tin có đến 100 triệu con vi trùng trong bàn chải không quá đáng sợ, quan trọng là mỗi người tự biết cách giữ vệ sinh răng miệng cho thật tốt.
|
Ảnh minh họa. |
Phơi nắng diệt trùng
Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, mỗi lần xả nước ở bồn cầu là một lần phát tán hàng triệu vi khuẩn kinh khủng ra khắp gian phòng tắm và chúng hoàn toàn có thể đến neo đậu ở trên bàn chải đánh răng của bạn. Rất nhiều người có thói quen rửa sạch bàn chải nhưng không phải ai cũng để ý đến những chiếc ống cắm, kệ để bàn chải cáu bẩn và ố vàng. Những chiếc ống luôn dính nước, đầy bụi bẩn lâu ngày chính là nơi lý tưởng để cho hàng trăm triệu con vi khuẩn sinh sôi, bám vào bàn chải đánh răng và đi thẳng lên miệng bạn.
TS Phạm Như Hải cho biết, không nên để bàn chải đánh răng trong nhà vệ sinh, đặc biệt là những ngôi nhà khép kín với nhà vệ sinh chật hẹp. Nguy cơ các loại vi khuẩn từ bồn cầu trú ngụ trong các vật dụng nhà vệ sinh là rất lớn và đương nhiên là phải như thế. Nên phơi nắng thường xuyên bàn chải, cốc để bàn chải. Để bàn chải ở nơi thoáng gió, có không khí lưu thông... sẽ tránh xa được các vi khuẩn gây hại này. Nếu có điều kiện thì có thể sấy bàn chải định kỳ hằng tuần. Đơn giản hơn, rửa sạch dưới vòi nước ấm và sạch để hạn chế vi khuẩn tích tụ trên bàn chải. Hãy giữ bàn chải cách xa toilet hoặc trong hộp có nắp đậy. Thay bàn chải thường xuyên 3 tháng/lần.
Tuy nhiên, PGS.TS Trịnh Lê Hùng cũng khuyến cáo, không nên quá vệ sinh theo kiểu cực đoan. Đứa trẻ có thói quen mút tay vì dạ dày chúng chưa có vi khuẩn. Hành vi mút tay là để đưa vi khuẩn vào trong dạ dày đáp ứng nhu cầu tiêu hóa của cơ thể, nên ở góc độ nào đó thì cũng tốt. Việc giữ vệ sinh cũng vậy, tốt nhất là giữ vệ sinh ở mức vừa phải, hài hòa với tự nhiên.
"Việc sử dụng các loại nước tẩy trùng nhà vệ sinh cũng nên cẩn trọng, nếu lạm dụng thì cũng sẽ gây hại cho hệ thống xử lý, hại sức khoẻ. Để giữ nhà vệ sinh được sạch sẽ thì nên dọn hằng ngày vào buổi sáng, trước khi ra khỏi nhà đi làm để đảm bảo không khí chung trong nhà sạch sẽ".
PGS.TS Trịnh Lê Hùng