Mới đây, trong cuộc thi Vietnam's got talent, một thí sinh đã uống nhầm axit trong phần trổ tài của mình. Ngay sau đó thí sinh này đã nhổ ra tuy nhiên anh này cũng gặp phải những vấn đề, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thực tế việc người bình thường từ người lớn và trẻ nhỏ uống phải axit là điều không hiếm gặp. Vì axit là một dung dịch trong khá giống với nước uống nên dễ nhầm lẫn. Chia sẻ của GS Lê Năm - nguyên Viện trưởng Viện Bỏng quốc gia, cho biết:" Trong trường hợp uống nhầm axit, ở mức độ nặng, bệnh nhân sẽ bị chảy máu ngay lập tức, axit ngấm vào máu gây hoại tử và làm chết các tế bào tại thực quản, dạ dày dẫn đến thủng dạ dày. Thậm chí có những trường hợp còn tử vong nếu uống nhầm axit đậm đặc".
|
Một nạn nhân bỏng rộp lưỡi do uống nhầm axit. Ảnh: VTC |
Theo các chuyên gia, do tính chất oxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit có những tác động nhanh chóng, lập tức phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, trên cơ thể người. Axit gây bỏng trên cơ thể người là bởi axit phản ứng với các protein trên cơ thể có trong tóc, móng chân, móng tay, da… Theo đó, khi tiếp xúc với da, axit làm ngưng kết các protein của mô và hút nước của tế bào. Chúng cũng hóa hợp với protein tạo thành protein axit.
Chính vì thế nồng độ axit càng đặc, thời gian tiếp xúc càng dài thì bỏng, hoại tử càng nặng và sâu.
Hầu như bất cứ bộ phận nào của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với 3 loại axit axit sunfuric (H2SO4), axit nitric (HNO3) và axit clohidric (HCl) đều sẽ bị tổn hại chứ không riêng việc uống axit vào bụng.
Khi bị dính axit đậm đặc vào phần đầu, axit có thể gây bỏng sâu, ăn mòn và phá hủy một phần hộp sọ. Cùng với đó, tóc biến mất và phần da đầu chỗ đó không bao giờ mọc lại nữa.
|
Khuôn mặt người phụ nữ này biến dạng hoàn toàn do Axit. Ảnh: ĐSPL |
Nếu axit bị đổ vào tai, mũi, tiếp xúc với axit có thể gây ra điếc, mũi teo tóp, biến dạng, lỗ mũi đóng kín hoàn toàn. Nguyên nhân là do lớp sụn ở tai, mũi có thành phần chính là nước, protein và collagen.
Trong trường hợp axit đậm đặc bắn vào mắt, miệng, nạn nhân có thể mất hoàn toàn đôi môi, mí mắt bị đốt cháy hay biến dạng. Lúc này, việc ăn uống, sinh hoạt trở nên vô cùng khó khăn. Nếu axit bị bắn trực tiếp vào mắt thì sẽ gây bỏng võng mạc, nguy cơ mù lòa của nạn nhân là rất cao.
Uống nhầm axit là tình huống nặng nhất, đặc biệt là khi uống phải các axit mạnh như axit sunfuric (H2SO4) và axit nitric (HNO3). Theo các bác sĩ, nếu nuốt phải axit thì khi nó đi tới đâu sẽ phá hủy bộ phận cơ thể tương ứng tới đấy bởi hai loại axit này háo nước cực mạnh, chúng sẽ hút sạch nước, ngưng kết lõi protein từ vòm họng cho tới thực quản, dạ dày… khó mà cứu chữa được.
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai thì khi đã uống hay ngậm axit, việc làm đầu tiên để hạn chế mức độ tổn thương của bệnh nhân là cần ngay lập tức uống nhiều nước lọc để pha loãng axit trong dạ dày. Hoặc xúc miệng nhiều lần bằng nước nếu mới chỉ ngậm axit trong miệng và chưa nuốt. Việc nhanh chóng pha loãng axit là việc làm quan trọng giúp tránh tổn thương ở mức độ nặng các bộ phận đã tiếp xúc với axit.