|
Xuất huyết não ở trẻ em cũng nguy hiểm như ở người lớn. |
Xuất huyết não ở trẻ em có thể do chấn thương, cao huyết áp, rối loạn đông máu, dị dạng mạch máu. Trong dị dạng mạch máu lại có u máu mao mạch, phình mạch, dị dạng động tĩnh mạch.
Mới đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam (11 tuổi) nhập viện trong tình trạng hôn mê. Trước đó, bệnh nhân đang khoẻ mạnh tự dưng đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, sau đó choáng, sau 30 phút thì hôn mê... Ngay lập tức, bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện ở địa phương điều trị. Chụp CT cấp cứu cho thấy, hình ảnh xương sọ bình thường nhưng có xuất huyết não. Bệnh nhân được thở máy, điều trị 2 ngày ở bệnh viện địa phương với các thuốc an thần, chống phù não. Tuy nhiên, do xuất hiện nhiều cơn co giật nên bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Khi vào Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân vẫn trong cơn hôn mê, huyết áp chỉ 80/50 và xuất hiện nhiều cơn co giật toàn thân. Các bác sĩ Khoa Nhi tiếp tục điều trị bằng thuốc chống phù não, an thần, chống giật. Ngoài ra, bệnh nhân được dùng kháng sinh, thuốc bảo vệ não và vitamin K. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân vẫn được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ bằng ăn qua đường truyền. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân tỉnh táo, được rút nội khí quản. Tuy nhiên, khi chụp mạch não đã phát hiện hình ảnh ổ dị dạng vùng tiểu não, nói gọn lại là dị dạng động - tĩnh mạch.
Dị dạng động - tĩnh mạch là hiện tượng dị dạng do máu ở động mạch đổ trực tiếp vào tĩnh mạch không qua lưới mao mạch. Dị dạng này có thể dẫn đến chảy máu não gây tử vong. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định can thiệp mạch não. Sau can thiệp, bệnh nhân ổn định và ra viện sau 4 tháng, sức khoẻ bình thường, không đau đầu. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải tái khám định kỳ để kiểm tra sức khoẻ.
Xuất huyết não ở trẻ em cũng nguy hiểm như ở người lớn, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi một đứa trẻ đang bình thường bỗng đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn... gia đình cần đưa đến bệnh viện cấp cứu để bác sĩ xử trí khẩn cấp, hạn chế trường hợp tử vong đáng tiếc.