Chúng tôi thuê một phòng ở nhà nghỉ S.M trên đường Giải Phóng (Hà Nội). Phòng bài trí khá giản đơn: Bên chiếc giường nhỏ là một bàn trang điểm, trong ngăn kéo bàn có sẵn vài chiếc... bao cao su. Khăn tắm đặt ở góc giường và khăn mặt được treo trong nhà vệ sinh khép kín. Chưa dùng, khăn thoang thoảng nước xả vải, đưa lên mặt lau thì sộc cái mùi rất nặng của hóa chất tẩy trắng vải Javen.
|
Nhiều nhà nghỉ bình dân tiềm ẩn mầm bệnh do mất vệ sinh. Ảnh: Chí Cường. |
Tường mỏng, cửa vênh, đồ sặc mùi... nước tẩy
Phàn nàn với nhân viên nhà nghỉ rằng phòng vừa nhỏ, vừa bẩn và nhà vệ sinh thì quá tồi tàn, anh ta ấn chìa khóa vào tay tôi rồi liến thoắng: “Đi dọc cái đường Giải Phóng này, đâu chả vậy bác. Nhà nghỉ này là “ô kê” nhất phố rồi đấy. Ông anh nghỉ mấy cái phòng gần bến xe thì biết tay nhau ngay”.
Cánh cửa phòng tầng 3 nhà nghỉ S.M ở ngõ Giáp Bát này được làm bằng gỗ dày dặn nhưng khi đóng vào bị kênh. Ngược lại thì những bức tường ở đây mỏng đến mức có thể dễ dàng nghe được tiếng bước chân loẹt quẹt của những khách đến sau, nghỉ ở phòng bên cạnh.
Tấm chăn mỏng và khăn được xếp ngay ngắn phía cuối giường nhìn qua trắng tinh như mới, nhưng chúng có mùi rất nặng của các loại hóa chất tẩy trắng. Giá thuê phòng ở đây cũng như đa số nhà nghỉ ở Hà Nội có hai cách tính: Theo giờ thì 60.000 đồng/tiếng, theo ngày là 150.000 đồng/ngày. Căn nhà 5 tầng này, mỗi tầng 4 phòng vào cuối buổi làm việc sáng và khi màn đêm buông xuống, khách ra vào tương đối đông. Theo quảng cáo ở bảng treo đầu ngõ, nhà nghỉ này được trang bị điều hòa, truyền hình cáp và wifi miễn phí, nhưng điều khiển từ xa của những thiết bị này nhân viên thu giữ. Nếu khách có yêu cầu họ sẽ bật, còn không thì coi như “quên”.
Giống như nhà nghỉ S.M, nhà nghỉ B.A ở đường Bạch Mai cũng có tình trạng tương tự. Giỏ đựng khăn tắm và khăn mặt được nhà nghỉ này đặt ngay ở khu vực chân cầu thang tầng 1, bên dưới chỉ lót một lớp nilon mỏng. Khi chúng tôi yêu cầu thay toàn bộ chăn ga và khăn tắm, nhân viên của nhà nghỉ mở lớp phủ nilon phía trên lấy bộ chăn mới lên phòng thay. Điều đáng chú ý, bộ chăn ga mới bị thay lại được xếp vào giỏ đồ đó để "sẵn sàng phục vụ" những... khách đến sau!
Tình trạng chung tại các nhà nghỉ bình dân này là vấn đề mất vệ sinh tại các phòng cho thuê. Ga đệm, vỏ gối không được thay thường xuyên, thậm chí dùng chung bánh xà phòng thơm, bao cao su đã sử dụng vứt bừa bãi ở góc phòng cũng như gầm gường khiến không khí trong phòng có mùi rất đáng sợ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người thuê phòng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây lây bệnh khi sử dụng đồ dùng.
"Sốc" vì bẩn
Hiếu, từng là một nhân viên làm việc ở nhà nghỉ khu vực Đầm Trấu, (quận Hai Bà Trưng), vừa bỏ việc phục vụ nhà nghỉ ra làm quán cơm bình dân ở đường Bạch Đằng, tiết lộ: “Em làm chân phục vụ nhà nghỉ từ cuối năm 2009. Sợ mùi nhà nghỉ, ớn sự bẩn thỉu mỗi khi dọn phòng nên em bỏ việc”.
Hiếu kể, nhà nghỉ nơi anh từng làm thường gom khăn tắm, khăn mặt thành một đống vào cuối ngày, sau đó dùng các chất hóa học tẩy trắng. “Một mẻ là chúng trắng tinh như mới”, Hiếu nói. Thậm chí Hiếu còn cho hay, để tiết kiệm nhân công, nước giặt và tiết kiệm hóa chất tẩy rửa, mỗi lần nhân viên thu dọn phòng nếu thấy chăn ga, khăn mặt không bị ố màu bất thường, thậm chí do khách lau sau khi tắm rửa thì chỉ đem phơi khô rồi đưa vào... tái sử dụng.
Cũng theo Hiếu thì tại nhà nghỉ bình dân H.L trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nơi anh từng phục vụ, vào cuối ngày, khăn tắm và khăn mặt được tập trung ở khu vực gần nhà vệ sinh, nơi có bố trí 2 máy giặt cỡ lớn. Những hóa chất tẩy rửa và làm trắng vải như Javen, Soda, nước xả vải rẻ tiền khác được đưa vào sử dụng để giặt chăn ga lẫn khăn mặt.
Phục vụ lâu năm nên Hiếu khá tinh quái trong việc đối phó với "phòng bẩn" bằng cách lấy khăn lau mặt để lót tay nhặt những bao cao su đã sử dụng. “Có những khách dùng xong bao cao su vứt vào sọt rát ở góc phòng, có ông vứt vào bệ vệ sinh nhưng không xả nước để chúng nổi lềnh phềnh”, Hiếu kể. Nhưng theo anh chàng phục vụ phòng này thì chăn ga gối ở những nơi này là thứ bẩn nhất. Sau mỗi lượt khách, phòng nhà nghỉ luôn bừa bãi ngoài vỏ bao cao su, rác thải của khách, chăn ga chứa đầy “dấu ấn” nhất.
“Sau mỗi lượt khách, ga, gối và khăn phải được thay. Tuy nhiên không phải người phục vụ nào cũng nhiệt tình như vậy. Đặc biệt, nếu lượng khách đông, nhất là vào những dịp đặc biệt nên dù có muốn dọn sạch sẽ, họ cũng không có thời gian”, Hiếu tiết lộ sự thật khiến chúng tôi rùng mình.
Riêng về khăn tắm và khăn mặt ở những nhà nghỉ loại này, Hiếu khuyên chúng tôi không nên sử dụng. Anh thú nhận không chỉ bản thân mình mà nhiều nhân viên khác cũng thường dùng khăn để lót tay nhặt bao cao su đã sử dụng và lau các vết bẩn khách để lại trên ga giường.
Những loại khăn này có thể được giặt với số lượng nhiều bằng máy giặt, ít khi sạch hết, thậm chí có nhân viên còn để lại cho khách lượt sau dùng luôn. Với chăn, ga giường cũng tương tự, nếu cảm thấy còn sạch, ít khi họ chịu thay đồ mới cho khách lượt sau.
Ở những khu nhà nghỉ không nằm ở trung tâm, tình trạng cẩu thả trong việc vệ sinh phòng rất phổ biến. “Khách đến nghỉ ngơi thật sự ít khi vào nhà nghỉ bình dân lắm, trừ những người từ quê ra thành phố, ít tiền và lỡ đường. Nhà nghỉ bình dân thường chỉ dành cho khách vào nhưng không nghỉ. Họ "giải quyết nhu cầu" nên khâu vệ sinh không được đề cao cho lắm, miễn là giá phải chăng. 1 giờ đồng hồ chỉ hơn 50.000 đồng là có khách rồi”, Hiếu tỏ vẻ sành sỏi.