Những ngày rét đậm, nền nhiệt độ xuống thấp dưới ngưỡng 10 độ C, nhiều người chọn cách giữ ấm cơ thể bằng cách dán miếng dán giữ nhiệt lên quần áo thậm chí là dán trực tiếp lên da. Cách làm ấm cơ thể tưởng chừng đơn giản và hiệu quả này đã khiến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì bỏng, có các phản ứng phụ với da tăng cao tại Viện Bỏng Quốc gia.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải An – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia cho biết: “Trong những ngày giá rét cao điểm, số lượng bệnh nhân bị bỏng phải nhập viện tại khoa Hồi sức cấp cứu do các tai nạn sưởi ấm, giữ ấm cơ thể tăng từ 30-40% so với những thời điểm bình thường trong năm.
Thông thường tại khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân người lớn là chủ yếu nhưng thời điểm này số lượng bệnh nhi lại chiếm đa số…”
Lí giải hiện tượng này, bác sĩ An cho hay: “Mùa đông giá rét, trẻ nhỏ và người già là hai đối tượng dễ bị lạnh và mắc những chứng bệnh thời tiết nhất. Các gia đình tìm mọi cách để làm ấm cơ thể cho con cái nhằm phòng tránh bệnh tật.
Ở các vùng nông thôn, người dân đốt củi, than tổ ong để sưởi ấm. Người dân ở thành phố thì mua máy sưởi, túi giữ nhiệt, đệm điện, gối ôm giữ nhiệt, miếng dán giữ nhiệt,…
Chính những “thiết bị” làm ấm cơ thể này đã gây nên những tai nạn không mong muốn cho trẻ nhỏ khiến tỉ lệ trẻ nhập viện do bỏng tăng cao đột biến trong mùa đông.”
Nói về tác hại của miếng dán giữ nhiệt, bác sĩ An phân tích: “Về nguyên tắc, nhiệt độ trên 45 độ C tiếp xúc với da kéo dài đã gây tổn thương tế bào da, gây bỏng. Nhiệt độ cơ thể chúng ta là 37 độ C nên chỉ chấp nhận được mức nhiệt độ tiếp xúc trên da dưới 40 độ C. Miếng dán giữ nhiệt có nhiệt độ tối thiểu 53 độ C, tối đa 63 độ C, thời gian giữ nhiệt khi dán từ 12-16 giờ. Với mức nhiệt độ và thời gian duy trì như vậy gây bỏng da rất dễ dàng, không những thế với những người có da nhạy cảm còn dễ bị tổn thương và có những phản ứng phụ với da…”
Bác sĩ, Thạc sỹ y học Phạm Cao Kiêm, phó Khoa Lazer - phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viện Da Liễu Trung Ương cũng cho biết: “Với nhiệt độ cao như vậy của miếng dán giữ nhiệt cần phải coi chừng khi sử dụng. Ngoài gây bỏng, miếng dán giữ nhiệt còn có những phản ứng phụ với da như: dị ứng với những thành phần của miếng dán nhất là với những người da nhạy cảm, viêm da tiếp xúc...”
Cũng theo các bác sĩ, nếu dán miếng dán giữ nhiệt lên quần áo cần phải xem lớp áo đó dày hay mỏng. Nhiệt đố tối đa cho phép khi tiếp xúc với da là 40 độ C. Nếu cao hơn sẽ gây bỏng rất là nguy hiểm.
“Ngoài ra, ở nhiệt độ cao, các chất trong miếng dán có thành phần kim loại nặng bị rơi ra người, trong khi da bị tổn thương kim loại nặng ngấm qua da và tích tụ trong cơ thể sẽ rất nguy hiểm.
Cần cẩn thận khi sử dụng. Không dán trực tiếp miếng dán giữ nhiệt lên da và cần lưu tâm đến nhiệt độ của miếng dán. Cách tốt nhất là tự mặc ấm khi ra ngoài và ăn uống đầy đủ để có năng lượng cho cơ thể…”, bác sĩ Kiêm khuyến cáo.
Với những tác hại và nguy cơ nói trên, người dùng miếng dán giữ nhiệt cần đặc biệt cẩn thận, để không gây ra hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng tới sức khỏe.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU