Hiện nay, dịch bệnh Ebola vẫn đang diễn biến phức tạp, cướp đi hơn 1000 sinh mạng ở 4 nước Tây Phi và đe dọa toàn cầu. Tại Việt Nam, ngành Y tế đã có nhiều biện pháp tích nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập.
Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với ông Lucien Blanchard, GĐ điều hành Bệnh viện Việt Pháp, người có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch SARS trong năm 2003 ở Việt Nam. Đây là nơi điều trị bệnh nhân SARS đầu tiên ở Việt Nam và trong kế hoạch ngăn chặn, điều trị bệnh Ebola hiện nay, Việt Pháp cũng là một trong những bệnh viện dã chiến, điều trị cho bệnh nhân nước ngoài nếu nghi ngờ mắc Ebola.
|
Bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng hơn 1000 bệnh nhân ở 4 quốc gia tây Phi. |
Chia sẻ về ca mắc SARS đầu tiên ở Việt Nam năm 2003, ông Lucien Blanchard cho biết, đó là một bệnh nhân người Hong Kong, gốc Mỹ. Khi tiếp nhận bệnh nhân vào ngày 26/2 với những triệu chứng giống cúm nhưng diễn biến lạ, sốt, ho nhiều và khó thở…, các bác sĩ vẫn chưa hề biết đó đến bệnh SARS.
“Ban đầu khi chưa biết rõ về căn bệnh này, chúng tôi đã nhập khẩu rất nhiều thuốc Taminflu để điều trị cúm gà cũng như các phương án cho bệnh dịch khác. Ngoài ra chúng tôi cũng tiến hành các biện pháp khử trùng bệnh viện nhằm ngăn chặn mọi khả năng virus lây lan ra ngoài bệnh viện”, ông Lucien Blanchard chia sẻ về những ngày đầu phòng chống dịch SARS hồi năm 2003.
Từ những kinh nghiệm trong phòng chống SARS ở Việt Nam, ông Lucien Blanchard chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch: “Trong bất kỳ trường hợp xảy ra dịch bệnh nào dù quy mô lớn hay nhỏ, cần khẩn trương thiết lập một trung tâm tuyên truyền, có thể là 1 người, 1 nhóm hoặc 1 công ty để thường xuyên cung cấp thông tin về chuyện gì đang xảy ra cho báo chí”.
“Tốt nhất, không nên chờ tới khi họ tìm tới mình. Bên cạnh đó, ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên, cần thông báo ngay cho chính quyền, cơ quan chức năng, Bộ Y tế và WHO bởi họ sẽ tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn và nhiều nước khác nhau”, ông Lucien Blanchard nói.
Riêng đối với căn bệnh Ebola hiện này, theo ông Lucien Blanchard nếu không triển khai những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn thì bệnh sẽ rất dễ lây lan trên phạm vi toàn cầu.
“Ngày nay việc đi lại rất dễ dàng và nhanh chóng. Mỗi ngày có hàng triệu người di chuyển từ nước này sang nước khác. Vì thế, quan trọng là chúng ta kiểm soát ngay từ sân bay. Ngoài ra, mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm để phòng tránh bệnh cho bản thân và người khác bằng cách đeo khẩu trang; tới cơ sở y tế gần nhất nếu có các biểu hiện của bệnh như sốt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy đau bụng…”, Giám đốc Bệnh viện Việt Pháp cho biết.
|
Ông Lucien Blanchard cho rằng, khả năng Ebola xâm nhập vào Việt Nam rất thấp. |
Đánh giá về mức độ nguy hiểm của bệnh SARS ở Việt Nam hồi năm 2003 và bệnh Ebola hiện tại, ông Lucien Blanchard cho hay: “Với đợt dịch SARS hồi năm 2003, chúng tôi chưa có thông tin gì về căn bệnh này để chủ động đối phó. Còn hiện nay, chúng ta biết chính xác các triệu chứng và nguồn gốc của virus Ebola. Vì thế, dù chưa có thuốc chữa cho căn bệnh này nhưng chúng ta sẽ có sự chủ động hơn trong phòng tránh chúng”.
Hơn nữa, các nghiên cứu đều cho thấy bệnh Ebola không lây qua đường hô hấp mà chỉ lây qua dịch tiết cơ thể, vì vậy người dân không nên quá hoang mang. “Theo tôi, mỗi người cần có trách nhiệm phòng tránh cho bản thân như vệ sinh sạch sẽ hằng ngày, đeo khẩu trang và hạn chế tới nơi đông người. Nếu có bất kỳ biểu hiện nghi vấn nào thì không nên hốt hoảng, không nên tự chữa ở nhà mà tới ngay cơ sở y tế gần nhất”, ông Lucien Blanchard chia sẻ.
Nhận định nguy cơ Ebola xâm nhập Việt Nam, ông Blancharrd khẳng định: “Nguy cơ thì có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, chúng ta có ít khả năng hơn bởi trước hết Việt Nam không có chuyến bay thẳng từ các nước có dịch bệnh.
Và nếu tất cả các nước đều thực hiện tốt việc kiểm soát ngay từ sân bay thì càng hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh. Việt Nam cũng đã bắt đầu các biện pháp kiểm soát này. Trên quan điểm của cá nhân tôi, Việt Nam có ít khả năng bị lây lan dịch bệnh này”.