Chế độ dinh dưỡng giúp người bệnh sởi chóng hồi phục

Google News

Người mắc bệnh sởi cần một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và nhanh chóng phục hồi.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp nâng cao miễn dịch cho bệnh nhân sởi, nhất là đối với trẻ em.
Theo các bác sĩ, người bệnh sởi phải ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng với 15-20 loại thực phẩm), không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng, tiến triển bệnh.
Trong giai đoạn cấp tính, chế độ ăn tăng cường trái cây sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết.
Trong giai đoạn dưỡng bệnh khi nhiệt độ đạt mức bình thường, hãy tiêu thụ những thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Sau khi đã khỏi bệnh, cần ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là 2 tuần, nhất là trẻ em để trẻ có thể nhanh chóng trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.
Nên bổ sung đa vitamin - khoáng chất mà trong thành phần có vitamin A, E, C, kẽm, selen…, trong đó quan trọng hơn cả là vitamin A, C và kẽm giúp nâng cao miễn dịch.
Che do dinh duong giup nguoi benh soi chong hoi phuc
 Chế độ ăn giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe và lấy lại năng lượng sau khi mắc bệnh sởi. (Ảnh minh hoạ/ Ngành Y tế TP HCM)
Uống đủ nước
Chế độ dinh dưỡng của người bệnh sởi cần chú ý bổ sung đủ nước khoảng 8 ly nước, cùng với các chất lỏng khác như nước chanh pha loãng, nước cam, nước dừa. Người lớn cũng có thể dùng trà thảo dược trong chế độ ăn bệnh sởi.
Phải cho người bệnh uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn đang sốt, nôn. Có thể uống nước quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi người bệnh sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho uống dung dịch ORESOL để bù nước và điện giải theo hướng dẫn.
Protein
Cần cho người bệnh ăn đủ các thức ăn giàu đạm. Đặc biệt các thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẽm, sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng.
Vitamin A
Vitamin A có chức năng bảo tồn tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, ngoài ra còn đóng vai trò trong tăng trưởng, tăng cường miễn dịch.
Thiếu vitamin A thường xảy ra ở trẻ em được nuôi dưỡng không đầy đủ. Những bệnh nhân này thường có dự trữ vitamin A ở gan rất thấp khi bị nhiễm sởi, mặc dù nguyên nhân chính xác còn chưa rõ ràng.
Tác dụng của của vitamin A trong điều trị bệnh sởi lần đầu tiên được báo cáo trong năm 1932. Các nghiên cứu đã xác nhận việc bổ sung vitamin A làm giảm mức độ nặng của các biến chứng (ví dụ tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp) ở bệnh nhân mắc bệnh sởi.
Nên tăng cường ăn các sản phẩm giàu vitamin A như cà rốt, rau bina, rau lá xanh… vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tử vong, viêm phổi và các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em mắc bệnh sởi.
Vitamin C
Vitamin C có chức năng chống lại dị ứng, làm tăng chức năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng. Bổ sung nhiều vitamin C bằng cách ăn các thực phẩm giàu vitamin như bưởi, cam và chanh rất hữu ích trong trường hợp mắc bệnh sởi. Nó tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để đối phó với virus và giúp phục hồi nhanh chóng.
Vitamin C có nhiều trong các loại quả chín như: Cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, táo, lê và các loại rau như rau ngót, rau dền, rau đay, mồng tơi, rau muống…
Khi trẻ bị bệnh nên cho trẻ uống nước quả chín (từ 1-2 cốc/ngày) để cung cấp đủ lượng vitamin C giúp nâng cao miễn dịch. 
Kẽm
Kẽm có vai trò quan trọng, cần cho phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm sẽ làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ. Nên bổ sung kẽm cho cả trẻ em và người lớn. Trong trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của nhân viên y tế bằng đường uống cho trẻ. 
Lựa chọn thực phẩm có nhiều kẽm: Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), đậu xanh nảy mầm cũng nhiều kẽm và dễ hấp thu. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.
Theo PGS.TS.BS. Lê Bạch Mai và ThS.BS. Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Chăm sóc dinh dưỡng rất quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi để giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc. Trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và bị biến chứng nặng.
Ngược lại, trẻ bị mắc sởi lại dễ bị suy dinh dưỡng thậm chí suy dinh dưỡng nặng. Do đó nếu trong quá trình điều trị bệnh sởi, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng sẽ cần được áp dụng chế độ điều trị suy dinh dưỡng. Việc lựa chọn thực phẩm hợp lý và chế độ dinh dưỡng đúng cách sẽ mang lại lợi ích trong việc phòng và chữa bệnh sởi.
Vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị thì chăm sóc dinh dưỡng với người bệnh sởi rất quan trọng, giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc.
Bình Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)