“Dầu chuối” đáng sợ
“Họ gọi nó là dầu chuối, tôi không hỏi rõ thành phần bên trong”, Long Li thật thà trả lời khi được nhóm phóng viên điều tra của tạp chí Wired hỏi. Nữ công nhân 18 tuổi chỉ biết mình có nhiệm vụ dùng thứ dầu này để lau hàng trăm màn hình điện thoại mỗi giờ. Mùi dầu loang khắp phòng xưởng không cửa sổ, trong một nhà máy 3 tầng tại thành phố Đông Quảng, Trung Quốc.
Công ty của Li - Fangtai Huawei Electronic Technology, phát cho cô và đồng nghiệp khẩu trang giấy, nhưng họ chẳng mấy khi dùng. Thứ nhất là vì trong xưởng quá nóng, thứ hai là họ thường xuyên phải hà hơi lên màn hình để lau cho dễ.
Mỗi ca bắt đầu từ 8h sáng đến 11h tối. Mùa cao điểm, họ có thể phải làm tới 4h sáng hôm sau. Li chẳng bao giờ phàn nàn, vì tiền làm tăng ca mỗi tháng có thể đạt 485 USD. Cô tới Đông Quảng khi tình trạng lao động tại nhà máy Trung Quốc bị quốc tế lên án dữ dội. Năm 2010, các vụ tự tử liên tiếp xảy ra tại nhà máy của Foxconn Technology thổi bùng những đợt điều tra.
|
Mặc dù trong hai năm qua, nhiều công ty Trung Quốc đã nâng lương và giảm giờ làm, những vấn đề liên quan đến sức khỏe và an toàn người lao động vẫn bị làm ngơ. Ảnh: Reuters |
Hai năm sau, Foxconn cam kết sẽ sửa sai. Apple và Samsung ra thông báo đang điều tra dây chuyền cung cấp từ phía Trung Quốc. Chưa rõ kết quả điều tra ra sao, chỉ biết không lâu sau khi làm việc, ngón tay Li bắt đầu run rẩy. Vài tháng sau, cơn run lan sang cả cánh tay và chân. Cô không cầm nổi màn hình điện thoại.
Nhiều đồng nghiệp trong xưởng cũng có triệu chứng bất thường. Người thì chán ăn, người thì đau cơ, cá biệt có người không thể đứng vững. Đến mùa hè, một vài công nhân phải nhập viện.
Tháng Bảy, khi Li không thể tự đi lại, cô phải nhập viện tại Quảng Châu với 30 công nhân khác. Các bác sỹ chẩn đoán họ bị phơi nhiễm n-hexane, tên khoa học của thứ “dầu chuối” họ vẫn tiếp xúc. Đây là một loại dung môi hòa tan công nghiệp, có thể phá hủy tế bào thần kinh ở tỷ lệ 50/triệu tế bào. Công nhân tiếp xúc với n-hexane phải đeo mặt nạ phòng độc trong khu vực thoáng khí.
“Hy sinh” an toàn
Kể cả sau bê bối của Foxconn, hàng nghìn công nhân trẻ như Li vẫn phải đối mặt với rủi ro sức khỏe, khi làm việc trong những nhà máy có điều kiện lao động tồi tàn. Không ai biết chính xác con số thương vong và tử vong.
Chính phủ Trung Quốc công bố số liệu thương vong vào khoảng 115/10.000 công nhân, cao hơn một chút sao với Mỹ và vượt hẳn so với Liên minh châu Âu. Một báo cáo độc lập phát hiện cứ 10 công nhân Trung Quốc thì 7 người không có bảo hiểm lao động.
|
Một báo cáo độc lập phát hiện cứ 10 công nhân thì 7 người không có bảo hiểm lao động. |
Mặc dù trong hai năm qua, nhiều công ty Trung Quốc đã nâng lương và giảm giờ làm, những vấn đề liên quan đến sức khỏe và an toàn người lao động vẫn bị làm ngơ. Nhiều công ty đơn thuần đẩy vấn đề từ chính nhà máy của mình cho nhà thầu và nhà thầu phụ - những đơn vị khó giám sát tiêu chuẩn hơn.
“Các công ty liên tục chịu sức ép cắt giảm chi phí, họ buộc phải ép xuống chuỗi cung ứng. Tiêu chuẩn an toàn thường là thứ bị hy sinh”, bà Kate Cacciatore, cựu Giám đốc nhân sự tại STMicroelectronics nhận xét.
Samsung và Apple
Trung Quốc có tổ chức Liên đoàn công nhân công nghiệp điện tử (EICC), chuyên giám sát tình trạng làm việc tại các nhà thầu sản xuất. Tuy nhiên, EICC không đặt ra tiêu chuẩn cụ thể dưới dạng số liệu. Thay vào đó, họ buông xuôi cả cho luật địa phương.
Từ trước tới giờ, EICC chưa trục xuất công ty thành viên nào vì không đạt tiêu chuẩn. Cơ quan cũng chỉ giám sát các nhà thầu cung cấp 80% thiết bị cho một nhà sản xuất. Đồng nghĩa các nhà thầu cấp 2 hoặc cấp 3 không bao giờ bị rờ tới.
Báo cáo của Apple cho thấy, 30% nhà cung ứng của họ không đạt chuẩn an toàn của công ty. 18% trong số đó không đạt chuẩn về an toàn khi phơi nhiễm với hóa chất độc hại. Thực tế, chưa năm nào báo cáo của Apple ghi nhận mức độ tuân thủ 100%.
|
Cổng vào "Thành phố Foxconn" tại Thâm Quyến. |
Các cơ quan khác cũng phát hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng từ phía nhà cung ứng Trung Quốc. Tổ chức Lao động Trung Quốc (CLW) đã điều nhân viên bí mật tới làm việc tại 14 nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc trong năm 2012 và 2013.
Kết quả cho thấy, mặc dù Apple cam kết huấn luyện về an toàn cho công nhân ít nhất 24 tiếng, con số trên chỉ khoảng 8 tiếng hoặc ít hơn.
Năm 2012, CLW điều tra 11 nhà máy Samsung, phát hiện biểu hiện vi phạm luật lao động ở cả 6 công ty: Không huấn luyện an toàn lao động, không mặt nạ cho công nhân phơi nhiễm khí độc. Samsung hứa hẹn đã có các biện pháp khắc phục, tuy nhiên không cho biết cụ thể. Cuối năm 2013, CLW phát hiện ít nhất 5 công nhân qua đời tại nhà máy Pegatron, Thượng Hải – nhà cung cấp Đài Loan cho sản phẩm iPhone 5c.
Gánh nặng
Ông Ming Gaosheng dẫn đoàn phóng viên tạp chí Wired về thăm con trai tại nhà riêng. Kunpeng – con trai của ông Ming, phải gắn ống thở oxy. Tháo ống thở, anh ngồi ho khó nhọc.
Năm 2007, Kunpeng bắt đầu làm việc tại một nhà máy của Hà Lan đặt tại Trung Quốc- ASM International. Trong hai năm, Kunpeng rửa bảng mạch điện tử bằng các hóa chất, bao gồm benzene. Đây là hóa chất có mùi ngọt, chuyên dùng để hòa tan dung môi công nghiệp. Tuy nhiên nó cũng sản sinh khí gây ung thư.
Tổ chức lao động quốc tế khuyến cáo, công nhân nên đội mũ bảo hiểm thổi khí và đeo găng tay làm từ Viton khi tiếp xúc với benzene. Kunpeng cho biết, anh chỉ được cung cấp khẩu trang và găng tay tiêu chuẩn.
|
Quần áo phơi ngoài phòng ở trong ký túc xá nhà máy Foxconn. |
Năm 2009, anh bị chẩn đoán bệnh bạch cầu vì phơi nhiễm benzene. Khi gia đình anh yêu cầu ASM bồi thường, họ từ chối, với lý do không thể chứng minh Kunpeng nhiễm bệnh từ xưởng sản xuất. Vụ tranh chấp kéo dài trong một năm, cùng lúc Kunpeng chờ ghép tủy. Cuộc phẫu thuật thành công, tuy nhiên Kunpeng suy phổi vài tháng sau và không thể hồi phục, khiến anh phải phụ thuộc vào bình thở suốt đời. Đến năm 2011, anh phải nằm viện 24/7.
“Chúng tôi không trông chờ gì từ nhà máy. Họ đưa cho chúng tôi một cục tiền và hết nhiệm vụ”, người cha cho biết. Vài tháng sau cuộc phỏng vấn, Kunpeng đã leo lên tầng thượng bệnh viện và nhảy lầu tự vẫn. Anh nói không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình.
“Chặn cửa”
Trung Quốc quy định mọi công ty công nghiệp phải nộp 1% lương công nhân vào Quỹ bảo hiểm thương tật công nghiệp. Chính quyền địa phương sẽ giám sát việc thanh toán. Khi người lao động bị thương tật, tiền trong quỹ sẽ được trích ra để trang trải chi phí y tế, sinh hoạt. Thêm nữa, nhà tuyển dụng có nghĩa vụ tiếp tục trả lương đầy đủ cho nhân viên, thanh toán một phần hóa đơn y tế, tùy theo mức độ. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế thì khác xa, bà Zhai Yujuan – Giáo sư dạy luật lao động tại Đại học Thâm Quyến nhận xét.
Trong một số trường hợp, các công ty nộp 1% lương vào quỹ, nhưng họ né tránh bồi thường bổ sung. Tệ hơn, khoảng 75% công ty không hề thanh toán 1 xu bảo hiểm nào, bà cho biết. Nếu người lao động muốn được bồi thường, họ phải nộp tài liệu chứng minh họ làm tại nhà máy đó, và bị chẩn đoán thương tật có liên quan đến công việc.
|
Giờ Zhang có thể đi lại bình thường, nhưng chỉ nói được những câu bập bẹ của một đứa trẻ lên ba. |
Việc xác minh giấy tờ là thủ tục rất phiền hà tại Trung Quốc. Thông thường, các công ty sẽ chặn một hoặc cả hai cửa, bà Zhai cho biết.
Họ có thể phủ nhận đã thuê công nhân đó, hoặc lót tay để bệnh viện kết luận thành một căn bệnh không liên quan đến môi trường làm việc. “Ví dụ, nếu một người bị bạch cầu, bệnh viện sẽ chẩn đoán thành lao phổi”, bà Zhai nói.
Không đủ sức theo đuổi các vụ kiện tụng dai dẳng, nhiều công nhân đành phải chấp nhận khoản thanh toán một lần từ phía công ty, thường ít hơn nhiều so với chi phí thuốc men.
“Một vụ tranh chấp có thể kéo dài 1 năm, 2 năm hay thậm chí 10 năm. Trong lúc đó, bạn vẫn phải tự rút tiền thanh toán viện phí. Nên nhiều người chỉ muốn nhận được một cục tiền và về quê tĩnh dưỡng”, bà Zhai cho hay.
Biểu tình Bệnh viện tại Thâm Quyến chật cứng bệnh nhân bị tai nạn lao động. Người thì cụt tay vì máy nghiến, người thì nhiễm độc hóa chất. Zhang Tingzhen là một trong những người đó. Thời đi học, anh từng là học sinh giỏi và là vận động viên đạt nhiều thành tích tại tỉnh.
Năm 2011, anh bị ngã tại nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến và chấn thương sọ não. Cha anh tức tốc bắt tàu lên Thâm Quyến khi nhận được hung tin. Khi ông đến nơi, Zhang đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật, bán cầu não trái của anh đã bị cắt bỏ.
“Tôi nhìn thấy con, nhưng đó không còn là con tôi nữa rồi. Nó nằm hôn mê, mặt sưng húp, mắt nhằm nghiền”, ông kể lại.
Giờ Zhang có thể đi lại bình thường, nhưng chỉ nói được những câu bập bẹ của một đứa trẻ lên ba. Anh nhận ra mang máng cha mẹ và anh chị em. Khi gia đình Zhang yêu cầu bồi thường, Foxconn từ chối cung cấp tài liệu cho thấy anh làm việc tại nhà máy Thâm Quyến. Thay vào đó, công ty khẳng định anh được tuyển vào một nhà máy khác tại thành phố Huệ Châu cách đó 70 km. Lương ở đó thấp hơn, mức bồi thường thương tật cũng thấp hơn. Công ty từ chối thanh toán trừ khi Zhang rời Thâm Quyến và đệ trình đơn xin chạy chữa y tế lên chính quyền Huệ Châu. Cha anh nói con trai ông không thể đi lại. Tuyệt vọng, ông chọn cách biểu tình. Cuối cùng, Foxconn xuống nước đồng ý bồi thường cho gia đình anh 1.800 USD/tháng. Nhưng con số đó chưa bằng 1/12 số tiền mà họ đã phải bỏ ra để thanh toán viện phí, và đến tháng thứ 6, Foxconn ngừng chuyển tiền.
Cực chẳng đã, ông Zhang đệ đơn kiện Foxconn. Nhưng năm 2014, tòa phán quyết con trai ông cần được bệnh viện tại Huệ Châu đánh giá để xem xét nhận bồi thường.
“Nghe lời và chịu khó”
Tháng 4/2014, Samsung cho ra một thông cáo hiếm thấy. Trong nhà máy tại Hàn Quốc, Samsung thừa nhận có 26 công nhân bị bạch cầu và máu trắng, sau khi làm việc với một hóa chất chưa được tiết lộ, 10 trong số đó đã qua đời.
Rất nhiều công ty điện tử sử dụng benzene và n-hexane. Có hóa chất thay thế chúng, nhưng giá cả đắt đỏ hơn, cũng như việc lắp đặt hệ thống thông khí và cung cấp đồ bảo hộ.
“Nếu một công nhân làm ca 12 tiếng, cần cung cấp 3 bộ găng tay. Trong những nhà máy 40.000 – 50.000 công nhân, tổng chi phí là khá lớn”, ông Garrett Brown, cựu Giám đốc pháp chế của Đơn vị sức khỏe và an toàn lao động California tính toán.
Các công nhân bị bệnh tại nhà máy Fangtai Huawei cho biết, không ai cảnh báo họ rằng, hóa chất này là độc hại, cũng không ai nhắc nhở họ sử dụng đồ bảo hộ. Khi họ ngã bệnh, nhà máy phủi trách nhiệm. Fangtai Huawei chỉ có các biện pháp khi công nhân đổ bệnh số lượng lớn. Mỗi tháng, họ được nhận khoảng 370 USD, chưa bằng tiền làm tăng ca.
Mùa hè năm 2013, sau một năm nằm viện, nhóm công nhân, trong đó có Li, nhận được một biên bản từ phía Fangtai Huawei. Nhà máy yêu cầu họ ký vào đơn xác nhận hoàn thành đợt tuyển dụng, với mục đích giũ bỏ trách nhiệm và các khoản bồi thường. Khi công nhân tổ chức biểu tình tại vụ lao động địa phương, cảnh sát bắt giữ 3 người, trong đó có Li. Cô phải ngồi trong nhà giam qua đêm trong tình trạng hoảng loạn. Tháng Hai năm sau, cô quyết định bỏ cuộc và về quê. Nhà máy Fangtai Huawei vẫn hoạt động bình thường. Ngoài cổng thép gai vẫn sừng sững tấm biển: “Chỉ tuyển nữ từ 18 đến 35 tuổi. Nghe lời và chịu khó”.