Điểm trông giữ xe vẫn nhộn nhịp trước giờ bị “trảm”

Google News

Hai ngày trước ngày bị "trảm", các bãi đỗ xe nằm trong diện bị thu hồi giấp phép vẫn hoạt động nhộn nhịp.
   

- Hôm nay, chỉ còn chưa đầy hai ngày nữa là đến ngày bị “trảm”, các bãi đỗ xe nằm trong diện bị thu hồi giấp phép vẫn hoạt động nhộn nhịp.
   
Trước giờ G, bãi trông xe vẫn chiếm đường

UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Sở Giao thông Vận tải và các sở ban ngành liên quan yêu cầu phải thực hiện việc thu hồi giấy phép trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường tại 262 tuyến phố trước ngày 15/2.

Các bãi trông giữ xe trên đường Giảng Võ - Láng Hạ vẫn kín xe.
Các bãi trông giữ xe trên đường Giảng Võ - Láng Hạ vẫn kín xe.
 
Hôm nay, ngày 13/2, theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Kiến thức thì tại các tuyến phố này, không có dấu hiệu nào cho thấy các bãi đỗ này sắp bị “trảm”.

Tại đường Láng Hạ - Giảng Võ (quận Đống Đa), rất nhiều điểm đỗ xe tự phát vẫn hoạt động thường xuyên, rất nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng gần như kín mít khiến người đi bộ phải đi xuống cả lòng đường.

Cũng trong tình trạng trên, phố Chùa Bộc  (quận Đống Đa) vốn đã nhỏ hẹp, là con đường hay xảy ra ùn tắc các bãi gửi xe vẫn hoạt động suốt từ sáng đến chiều. Trên  tuyến phố này, không nhiều điểm trông giữ xe có giấy phép, tuy nhiên các bãi tự phát tràn lan.

Nghiêm trọng hơn, trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), hai bãi trông giữ xe dưới lòng đường với la liệt ô tô án ngữ gần kín một làn đường.

Các điểm trông giữ xe trên tuyến phố Giảng Võ  chiếm kín cả vỉa hè.
Các điểm trông giữ xe trên tuyến phố Giảng Võ chiếm kín cả vỉa hè.
 
“ Tôi chả hiểu tại sao họ lại trông xe dưới lòng đường nhiều như vậy, nhiều người còn không biết sẽ phải đi như thế nào vì đoạn này lại gần ngã ba nữa”, chị Thu Hiền, một người dân sống gần đó cho biết.

Các điểm trông giữ xe trên phố Hàng Bài, Nguyễn Trãi, Kim Mã, Láng Hạ… cũng trong tình trạng tương tự.

Dễ phát sinh các điểm trông giữ tự phát

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “262 tuyến phố Thành phố chỉ đạo rút giấy phép trông giữ phương tiện đều là những tuyến phố chính, nhưng mặt đường nhỏ, vỉa hè chật hẹp nên phải hạn chế đến mức tối đa việc trông giữ phương tiện vì mục đích đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc”.

Tuy nhiên, do nhu cầu gửi xe của người dân quá nhiều nên liên ngành Giao thông và Công an Thành phố đã nghiên cứu, lập danh sách 230 tuyến phố đủ điều kiện trông giữ phương tiện và đang trình Thành phố xem xét cấp phép.

Về thời hạn phải thực hiện thu hồi giấy phép, ông Giáp cho rằng:  “Tất nhiên, cũng có thể chỗ này chỗ khác còn hiện tượng vi phạm, nhưng giờ mình quy định rõ ràng thì người dân và các cơ quan chức năng cũng sẽ thực hiện. Chủ tịch Thành phố cũng đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm, kể cả người dân và chính quyền”.

Về những khó khăn, ông Giáp cho hay: Trong tờ trình lên thành phố, liên ngành đã đưa phương án các điểm giữ xe khác cho người dân lựa chọn. Nhưng trong quyết định của UBND thành phố mới chỉ đề cập đến lệnh cấm mà chưa quyết định phương án điểm gửi xe thay thế cho người dân.
   
Nhiều người lo ngại, sau khi thu hồi giấy phép mà Thành phố không có bãi đỗ xe thay thế rất dễ phát sinh các bãi đỗ xe tự phát khó quản lý.
Nhiều người lo ngại, sau khi thu hồi giấy phép mà Thành phố không có bãi đỗ xe thay thế rất dễ phát sinh các bãi đỗ xe tự phát khó quản lý.
 
Là một đơn vị khai thác điểm trông giữ xe, lãnh đạo Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho rằng cần có cơ chế rõ ràng và bố trí các điểm trông giữ thay thế.

Theo thông tin từ công ty này, hiện Công ty đang quản lý 191 điểm trông giữ xe trên toàn địa bàn thành phố. Theo quyết định của UBND Thành Phố, công ty sẽ có 49 điểm trông giữ phương tiện tại 35 tuyến phố bị rút giấy phép, chủ yếu tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho rằng: “Thành phố cần có kế hoạch thực hiện rõ ràng, đồng thời bố trí các điểm đỗ thay thế, để chúng tôi có phương án sản xuất, sắp xếp lao động, chứ không nên nói cắt là cắt”.

“Ngoài ra chúng tôi cho rằng, một số tuyến phố có hạ tầng tốt, đường rộng, đã xén vỉa hè sâu như Văn Cao, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khánh Toàn, Văn Miếu, Hàng Gai…thì hy vọng vẫn được cấp phép”, bà Lam đề xuất.

Ngoài việc cần bố trí các bãi trông giữ thay thế vì nhu cầu là rất lớn, Bà Lam cũng lo ngại khi rút giấy phép, các ngành chức năng của Thành phố sẽ kiểm soát như thế nào những trường hợp vi phạm và các bãi gửi xe tự phát của người dân.

“Nếu sau khi rút giấy phép chúng tôi có nhổ biển, xóa sơn nhưng người ta vẫn đem xe tới đỗ thì làm sao có thể xử lý hết. Còn giao quyền cho chính quyền địa phương như tự quản phường thì làm sao xử lý được, rồi xe sẽ vẫn đỗ tràn lan”, bà Lam nêu những lo ngại.

Ngọc Tú

Bình luận(1)

Minh Hiền

Quang Anh

Cái Công ty Khai thác Điểm đỗ xe chỉ biết mỗi việc thu tiền và không có trách nhiệm quy họach và xây dựng điểm đỗ xe? Làm nghề ăn sẵn này sướng thật.