Trước đây, người dân thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương chỉ nghe kể về bà chúa Chén thông qua những câu chuyện truyền thuyết. Nhưng kể từ khi người dân nơi đây đào được mộ của bà, được nhìn thấy thi hài của bà thì mọi người mới tin là có thật...
Vương phi Ngọc Chén giúp dân chúng làm ăn
Cụ Chu Trọng Nhiên (85 tuổi), Chi hội trưởng người cao tuổi, Hội trưởng miếu thôn Ô Mễ kể: Theo truyền thuyết từ xưa kể lại bà chúa Chén tên là Nguyễn Thị Ngọc Chén vốn sinh ra ở xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ. Tuy nhiên, bà lại sinh sống nhiều bên quê ngoại ở xã Hưng Đạo. Thuở mười tám, đôi mươi bà là cô gái nức tiếng xinh đẹp, giọng hát của bà làm xiêu lòng nhiều chàng trai trong vùng. Một hôm bà đi cắt cỏ bên bờ sông Thái Bình, vừa cắt cỏ bà vừa hát: Tay cầm bán nguyệt xênh xang/Trăm ngàn ngọn cỏ quy hàng tay ta. Chúa Trịnh Tùng khi đó đang cùng quân lính đi dạo trên sông, nghe giọng hát trầm ấm của người con gái thôn quê, liền cho quân lính tấp vào bờ. Thấy người con gái xinh đẹp, ăn nói lễ phép lại có chí khí, vì thế mới gặp lần đầu chúa Trịnh đã phải lòng thôn nữ.
Sau này người con gái tài sắc vùng xứ Đông được chúa Trịnh Tùng lấy về làm vợ ba, sắc phong làm đệ tam cung tần và ban chức thượng phủ nội cung. Sinh sống trong chốn đài các nguy nga, nhưng vương phi Ngọc Chén vẫn thấy tù túng. Vả lại, ở trong cung bà ít được chúa yêu chiều. Vì thế dù ở một gian trong cung mà bà vẫn không có con. Do đó, bà quyết định xin chúa được về quê để hướng dẫn dân mở mang đất đai, làm ăn sinh sống. Bà đã giúp dân đào sông, khơi ngòi lấy nước để sản xuất.
Cụ Nhiên cho hay, sử sách trong làng còn ghi bà chúa Chén về xây dựng làng xã, bắc cầu cho dân chúng đi lại cho thuận tiện, làm chợ cho dân chúng buôn bán. Đặc biệt, bà đã xây dựng ngôi chùa Sùng Minh (hiện vẫn còn) - ngôi chùa to nhất nhì xứ Đông thời đó.
|
Cụ Nhiên bên lăng mộ bà chúa Chén. |
"Lưỡi thè ra, cơ thể biến sắc"
Theo lời ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng thôn Ô Mễ thì những câu truyện kể về bà chúa Chén từ xưa được kể qua truyền thuyết, ít tư liệu còn sót lại. Người dân trong làng từ xưa xem bà như Thành hoàng làng, người có công xây dựng làng xã. Sau này, bà mất đi thì chúa Trịnh sai quan quân xuống làm tang lễ. Nhưng dân chúng trong vùng không biết mộ bà được chôn cất ở đâu. Đến các nhà khảo cổ cho rằng, khối đất khổng lồ hàng nghìn m3 giữa cánh đồng là nơi chôn cất bà chúa Chén. Nhưng khi đào lên thì không có bất kỳ ngôi mộ nào cả.
Nhưng đến năm 1978, chính cụ Nhiên khi đó đi đào mương để dẫn nước về đồng ruộng, bỗng gặp ngôi mộ, giáp danh với khu đất khai quật trước đây. "Lúc đầu tôi đào vào mộ, tưởng là mộ hủi, vì bên ngoài mộ đắp vôi mật, theo quan niệm của người dân chúng tôi khi xưa thì người bị chết vì bệnh hủi mới đắp bằng vôi mật. Nhưng khi đào sâu vào bên trong thì một mùi hương tỏa ra rất thơm. Có một chiếc ván rất đẹp. Tôi nghi ngờ đó là ngôi mộ của bà chúa Chén, vì thế tôi bảo mọi người niêm phong lại để báo cáo Sở Văn hóa tỉnh xử lý. Tuy nhiên, do mọi người hiếu kỳ đến bao vây xung quanh ngôi mộ. Họ đã dùng xà beng lật tấm ván bên ngoài ra. Nắp quan tài vừa mở ra thì mùi hương thơm của gỗ lũa, cùng với những chất ướp trong thi hài tỏa ra ngào ngạt. Nhiều người bàng hoàng khi nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp má phấn, môi son. Trên người mặc quần áo của một vương phi, cơ thể bình thường như cô gái đang nằm ngủ", cụ Nhiên kể.
|
Nhờ đào mương mà cụ Nhiên đã tìm thấy mộ bà chúa Chén. |
Đêm hôm đó, nghe tin đào được mộ của bà chúa Chén, mọi người khắp nơi ùn ùn kéo tới xem. Có người vừa nhìn thấy sợ hãi quá đã bỏ chạy, có người đàn ông trong xã đã lao vào giật dây chuyền trên cổ của bà, lấy đi ba hoạt xoàn bằng ngọc bội mang về cất giấu. Những hạt ngọc đó phát ra luồng ánh sáng kỳ lạ, khiến người đàn ông đó sợ hãi. Sau này ông đã mang trao trả cho Bảo tàng tỉnh Hải Dương.
Cụ Nhiên bảo, không chỉ người đàn ông đó hám của cướp hạt xoàn mà khi lực lượng Công an chưa đến giám sát, nhóm người hám của nghi ngờ trong cổ họng của bà chúa Chén có vàng, họ đã dùng tay móc vào cuống họng của bà. Vàng chẳng thấy đâu, lưỡi của bà thè ra ngoài khiến cơ thể biến sắc thâm đen. Sau này lực lượng chức năng của huyện và tỉnh Hải Dương về dựa trên những hiện vật trong ngôi mộ người dân nơi đây đào lên, họ khẳng định đây là thi hài của bà chúa Chén được chôn cất hơn 400 năm trước.
|
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng thôn Ô Mễ. |
Thi hài không phân hủy
Sau khi chính quyền nơi đây xác định danh tính người trong ngôi mộ đó là bà chúa Chén, mọi người thống nhất chôn cất bà bên ngôi mộ người dân mới đào được. Nhưng lạ kỳ thay, sau 3 năm chôn cất, mọi người đào mộ lên để cải táng, nhưng thi thể của bà chúa Chén vẫn nguyên vẹn. Nhiều người cho rằng, có thể trước đây khi mất bà được chúa Trịnh cho người tẩm ướp một loại hương liệu ướp xác cực tốt, thế nên thi thể của bà không bị phân hủy. Vì thế, một lần nữa chính quyền phải chôn cất lại thi thể của bà. Sau này, những người cháu chắt của bà định cư bên Pháp đã về nước và xây khu lăng mộ để thờ bà.
Cụ Nhiên cho biết, hiện nay anh em họ hàng của bà chúa Chén gần như không còn ai sống trong làng, đa số họ đã sang Pháp định cư. Họ về xây dựng nhà thờ để thờ cúng bà chúa Chén. Từ xưa, dân làng Ô Mễ mỗi khi uống nước cầm chiếc chén trên tay, đều gọi tránh sang tên là cái chớn. Vì nếu nói cái chén sẽ đụng chạm đến tên húy của bà chúa Chén. Tên của mẹ bà chúa Chén là Vương Thị Đũa. Vì thế, người dân nơi đây khi mang bát đũa ăn cơm không dám nói đôi đũa mà nói tránh bằng từ đôi dọng.
Trước đây khi chưa đào được mộ của bà chúa Chén, người dân vẫn thường truyền tụng về các câu chuyện của bà, các thế hệ con, cháu cứ tưởng như là truyền thuyết, nhưng từ khi mộ của bà được tìm thấy thì người dân nơi đây đã tin rằng đó là những câu chuyện có thật.
(Còn tiếp...)
Từ Ô nghĩa là đen, Mễ là gạo. Có nghĩa là làng chuyên làm nghề hàng xáo, xay xát gạo. Ngày xưa phải xay xát gạo đen mang đi bán mới có lãi. Cái tên thôn Ô Mễ và nghề xay xát gạo có thể là do bà chúa Chén đặt và truyền nghề cho người dân. Trước đây, nhiều nhà khoa học đã tìm mộ của bà chúa Chén, nhưng không được. Việc người dân đào được ngôi mộ, với thi hài còn nguyên vẹn là một điều rất bất ngờ với mọi người. Ước nguyện được nhìn bà chúa Chén bằng da bằng thịt của người dân đã được thực hiện.
Ông Nguyễn Thanh Tâm (Trưởng thôn Ô Mễ)