Trung bình, mỗi người nhận 22 cuộc gọi và 23 tin nhắn, dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh đến mức phải liếc nhìn màn hình 150 lần mỗi ngày. Đó là kết quả khảo sát do Trường thương mại Hankamer ở Texas (Mỹ) thực hiện. Ở mức độ đó, nhiều chuyên gia về sức khỏe kết luận: họ đã mắc hội chứng nghiện smartphone.
Vậy nhưng, chủ nhân của những “chú dế” thời thượng vẫn tiếp tục phó mặc cho “dế yêu” làm giùm mọi việc, từ chụp ảnh, nghe nhạc, dò bản đồ, xem đồng hồ, chơi game, tra cứu đến mua sắm… cho tới khi họ nhận ra rằng thiết bị công nghệ hiện đại ấy đã xen quá sâu vào cuộc sống riêng.
|
Ảnh minh họa.
|
Kathleen Davis, người nhiều năm làm việc trong ngành truyền thông điện tử tiết lộ, cô chưa bao giờ sở hữu một chiếc điện thoại (ĐT) thông minh. Nhiều người thắc mắc và phản đối lựa chọn của Kathleen nhưng cô vẫn điềm nhiên và xem đó là niềm tự hào của mình. Nhiều đồng nghiệp của Kathleen muốn được như cô nhưng họ không thể gạt bỏ thói quen làm việc qua ĐT thông minh, họ vẫn chăm chăm vào ĐT để kiểm tra mail của sếp, hay khách hàng trong lúc ăn uống, nghỉ ngơi, kể cả lúc du lịch hay cáo ốm.
Kathleen không làm như vậy. Cô mang theo một chiếc ĐT chỉ có chức năng nghe, gọi thông thường. Khi giải quyết công việc, cô mở máy tính tập trung một lần cho xong. Kathleen vẫn dùng mạng xã hội như bao người, nhưng qua máy tính, thay vì cập nhật và kiểm tra tin nhắn trên mạng xã hội qua ĐT thông minh như mọi người. Kathleen chia sẻ: “ĐT thông minh dù có siêu việt cỡ nào cũng là phương tiện. Không phải chỉ có nó tôi mới có thể giao tiếp với mọi người. Nếu sa đà vào nó quá nhiều, tôi có thể mất đi những mối quan hệ trong đời thực, bỏ lỡ những cuộc trò chuyện mặt đối mặt gắn kết hơn rất nhiều”.
“Cai nghiện” smartphone, là điều không ít người sử dụng nghĩ tới khi nhận ra mình bị lệ thuộc vào thiết bị này. Matt Asay, người có thói quen sử dụng ĐT thông minh mọi lúc mọi nơi đã thách thức chính bản thân bằng cách tự cai nghiện một tuần. Anh chia sẻ “nhật ký cai nghiện” trên trang ReadWrite, một blog công nghệ nổi tiếng ở Mỹ.
Trước đó, Matt đi đâu, làm gì cũng kè kè chiếc ĐT. Đến đâu anh cũng “check in” (đăng trên mạng xã hội nơi mình đến), chụp ảnh tự sướng rồi liên tục kiểm tra xem bạn bè có bình luận gì về nội dung mình vừa tải lên. Trên đường đi, đôi khi anh phớt lờ tín hiệu giao thông vì bận dán mắt vào ĐT. Ở nhà thờ, Matt cũng tranh thủ lướt ĐT, cập nhật thông tin về những trận bóng yêu thích, tán gẫu với bạn bè.
Sau một tuần thử thách, Matt thú nhận, anh phạm luật chơi vài lần, trong những tình huống cấp bách, cần hỗ trợ thông tin, anh phải “cầu cứu” ĐT thông minh. Liệu anh có muốn cai nghiện smartphone suốt đời không? Matt bảo rằng không, nhưng khẳng định anh sẽ thu xếp lại cuộc sống của mình. Anh nhận ra thiết bị công nghệ di động nói chung và chiếc ĐT khiến anh lười suy nghĩ hơn. Matt tìm được sự thanh thản trong một tuần “nói không” với những phương tiện hiện đại này.
Giờ đây, Matt chủ động cài đặt chế độ cập nhật mail bằng cách thủ công (người sử dụng cập nhật khi cần) thay vì ĐT liên tục báo tín hiệu chuyển mail. Anh có thể đi tới nhiều nơi mà chẳng cần ĐT trong tay và anh cảm thấy thoải mái với điều này. Anh hào hứng hơn vì chính mình thích giao tiếp bằng mắt và trò chuyện trực tiếp, điều anh đã lãng quên từ khi kết thân với những thiết bị thông minh. Matt đã học được cách chế ngự “cơn nghiện” của mình và hiểu lúc nào anh không cần đến ĐT.
Năm ngoái, một nhóm nhạy bén với thị trường và am hiểu tâm lý không thể tách rời ĐT thông minh của nhiều người, đã sáng chế ra chiếc ĐT độc đáo NoPhone. Chỉ với 12 USD, bạn có thể sở hữu một thiết bị có hình dáng chẳng khác gì chiếc ĐT thời thượng bậc nhất với những tính năng vô cùng hấp dẫn: không cần sạc pin, không chống nứt gãy, hoàn toàn chống nước. Sản phẩm này thực chất chỉ là một miếng nhựa mỏng khiến người dùng không có cảm giác trống tay nếu phải tạm xa ĐT thông minh.
Ở phiên bản mới, NoPhone được đính thêm miếng kính ở một mặt, giúp người dùng chụp ảnh tự sướng bằng cách… soi mình trong gương. Ý tưởng của nhóm NoPhone ban đầu có vẻ chỉ là chuyện vu vơ, nhưng nó trở nên vô cùng thiết thực. Thông qua NoPhone, nhóm gửi gắm thông điệp rõ ràng tới những ai quá phụ thuộc vào “chú dế” thông minh.
ĐT thông minh hay bất cứ thiết bị di động nào cũng không có lỗi. Không ai phủ nhận được những lợi ích mà những thiết bị trên mang lại. Chỉ khi lạm dụng chúng một cách vô độ mới dẫn đến tình trạng mất cân bằng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của mỗi người.