Trên thị trường bán nhiều loại keo ong với những lời quảng cáo "đường mật" như có khả năng chống lão hóa, chữa đái tháo đường, ung thư...
- Hiện nay, trên thị trường bán nhiều loại keo ong với những lời quảng cáo "đường mật" như keo ong có khả năng chống lão hóa, chữa đái tháo đường, ung thư... Bài viết dưới đây của TS Phùng Hữu Chính, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ong, sẽ giúp bạn đọc nhận biết cụ thể về tác dụng của loại keo này.
Giá thành gần tương đương với sữa ong chúa
Trong các sản phẩm của ong như mật ong, phấn hoa và sữa chúa thì keo ong là sản phẩm có giá trị khá cao, có giá thành gần tương đương với sữa ong chúa.
Keo ong có màu nâu, đen hoặc xanh là một hỗn hợp của nhựa cây và sáp ong được ong mật thu thập từ hoa và chồi non. Ong dùng hàm dưới cào lớp nhựa bảo vệ nụ hoa và chồi non cho lên miệng trộn với một ít nước bọt và các chất tiết khác của những con ong như là sáp. Sau đó đưa vào giỏ phấn giống như viên phấn hoa trên hai chân sau của chúng rồi chuyển về tổ.
Keo ong được loài ong sử dụng để lót một lớp mỏng tất cả các lỗ tổ nuôi ấu trùng, sửa chữa bánh tổ, hàn các vết nứt nhỏ trong tổ ong, làm giảm kích thước của lối ra vào tổ. Ngoài ra, keo ong còn được dùng để bao kín các động vật hoặc côn trùng có kích thước lớn bị chết trong tổ và trộn với sáp vít nắp các lỗ tổ ấu trùng. Nhờ có tính kháng khuẩn, nấm và virus nên keo ong có vai trò bảo vệ các ấu trùng ong chống lại bệnh tật.
Thành phần của keo ong bao gồm 180 chất, trong đó các hợp chất từ nhựa cây chiếm 50%, sáp ong 30%, dầu thực vật 10%, phấn hoa 5% và khoáng chất 5%. Chất flavonoid và axit phenolic hoặc este của chúng là thành phần chính của nhựa. Trong các thành phần của keo ong, quan trọng nhất là flavonoid. Flavonoid có khả năng ưu việt trong việc chống lại sự tấn công của virus. Flavonoid hoạt động như một bức tường phòng vệ ngăn chặn sự xâm nhập của vi trùng. Bức tường phòng vệ này trước tiên làm suy yếu vi trùng và virus, sau đó tạo ra khả năng miễn dịch cho ong. Flavonoid được phân bố rộng rãi trong thế giới thực vật. Do đặc tính của flavonoid nên thành phần cũng như hàm lượng flavonoid trong keo ong phụ thuộc vào vị trí nơi sinh trưởng của thực vật và loài ong.
|
Ảnh minh họa. |
Tác dụng chống ung thư, phóng xạ
Ngày xưa, người Hy Lạp và La Mã đã biết tác dụng của keo ong, từ đó sử dụng để chữa bệnh hằng ngày. Ví dụ, dùng keo ong chữa lành các ổ áp xe da và qua nhiều thế kỷ sử dụng trong y học đã nhận được sự quan tâm khác nhau. Người Ai Cập cổ đại đã biết về những lợi ích của keo ong và ở châu Phi ngày nay vẫn sử dụng keo ong như một loại thuốc, chất kết dính để điều chỉnh làm trống, hàn các thùng chứa nước bị nứt hoặc ca nô.
Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, tính năng của keo ong gồm kháng sinh, chống ung thư, chống oxy hóa, chống viêm, an thần, chống từ, chống phóng xạ, bảo vệ thận, tăng cường hệ miễn dịch, kéo dài sự sống của tế bào, chống virus, chữa cao huyết áp, chữa đái đường, tăng cường sự chuyển hóa hormon, chữa các bệnh răng miệng, chữa viêm loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra.
Ngoài ra, keo ong và chiết xuất của nó còn được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm về da vì nó khả năng tái tạo mô. Cũng như các đặc tính diệt khuẩn và diệt nấm, keo ong cung cấp nhiều lợi ích trong các ứng dụng khác nhau trong mỹ phẩm.
Hiện nay, keo ong được chế biến thành dạng viên, con nhộng, viên nang mềm hoặc dạng chất lỏng. Tùy theo mục đích sử dụng mà người ta sử dụng keo ong ở dạng bột nguyên chất hoặc dùng các dung môi khác nhau như ethanol hoặc glycol để chiết xuất keo ong.
Ở nước ta hiện nay chưa tiến hành thu hoạch keo ong là do các đàn ong có ít keo, mặt khác là do người nuôi ong chưa chú ý khai thác sản phẩm này. Năng suất bình quân keo ong là 0,2kg/đàn/năm. |
TS Phùng Hữu Chính