Không muốn ông trời vắt kiệt sức lao động, cướp đi đồng tiền mồ hôi xương máu, lão đã chế tạo máy cày đa năng phục vụ cho việc làm nông nghiệp của mình. Trong nháy mắt, lão trở thành tỉ phú, không phải từ việc bán máy mà là từ việc thu sản vật nông nghiệp do cái máy cày ấy đem lại.
Máy cày đa năng của Tấn “gàn”
Tôi không biết lão, lão cũng không biết tôi. Tôi có anh bạn già làm báo là chỗ thân quen với lão. Tình cờ trong một cuộc nhậu với nhiều bạn bè của anh bạn già, anh chỉ tay giới thiệu từng người mà ai cũng to béo, bụng phệ, áo quần đóng thùng hắn hoi, nào là anh giám đốc đài, giám đốc công ty sổ xố, anh đại tá công an… và ông nông dân Phạm Ngọc Tấn. Tôi ngớ người, anh bạn dường như hiểu ý, nói tiếp: “Nông dân nhưng biết chế tạo máy cày nên giờ thành tỉ phú rồi. Khắp cả vùng Tây Nguyên này, người như lão chỉ có một”.
|
Chiếc máy cày gắn động cơ xe máy đang trong quá trình hoàn thiện. |
Tôi ấn tượng về lão nông có dáng dấp tựa như giám đốc, như một viên chức nhà nước cỡ sếp lớn. Trong cuộc nhậu hôm ấy, tôi đặc biệt quan tâm về lão, về cái máy cày đất và công việc làm giàu của lão.
Hẹn mãi, năn nỉ mãi lão nông 56 tuổi này mới chịu dẫn đường cho tôi lên thăm trang trại cùng cái máy cày lão chế tạo.
Nhà của lão ở tổ 3, phường Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum, nhưng trang trại lại ở tít ngọn đồi Ia Phí, huyện Chư Păh, Gia Lai với 30ha mía, 5ha mì và lạc cùng 10 nhân công đang làm thuê cho lão.
Đến căn chòi lão dựng cho đám nhân công trú ngụ ăn ngủ và làm việc, phóng tầm mắt ra trang trại bạt ngàn mía, mì cong vút xanh mơn mởn rì rào theo tiếng gió. Lão bảo có ngày hôm nay tất cả cũng nhờ cái máy cày đa năng ấy.
Cái máy ấy có chức năng lên luống hai rãnh, lên luống một rãnh, đánh cỏ và đánh tơi xốp đất, chức năng cuối cùng là nạo cỏ. Mỗi chức năng lão làm một lưỡi cày riêng. Tên của cái máy đó, lão chẳng biết gọi thế nào nên gọi đại là máy xới đất. Chỉ cho tôi thấy cái máy án ngữ trong căn chòi, lão kể những bộ phận chính của cái máy ấy.
Động cơ nổ được làm từ lốc máy xe gắn máy, bánh răng, xích nhông cũng được lão tận dụng làm nhông chuyền. Thân máy xới đất là bánh răng có bán kính 80cm cũng được lão tự tay hàn có gắn các thanh sắt làm lực đẩy đồng thời cày xới đất. Chiếc máy xới hoàn thiện có chiều dài khoảng 1,2m, chiều ngang khoảng 50cm.
Lão bảo rằng, máy điều khiển rất dễ làm, chỉ cần đổ xăng đạp máy nổ như đạp xe máy rồi kéo số là di chuyển và thực hiện các công năng của máy.
“Hệ thống ga và cần số được thiết kế đặt ngay cạnh tay lái nên nhân công dễ dàng chuyển đổi vận tốc và cơ cấu sang số” - lão Tấn nói.
Chuyện chế tạo máy cũng chẳng dễ dàng và đơn giản chút nào. Ý tưởng thì được ấp ủ từ lâu bởi lão nói rằng việc cày xới đất, lên rãnh đồng thời lấp cỏ cho 40ha cây mía và mì đã ngốn của lão không ít thời gian và tiền bạc thuê nhân công, nông sản thu lại cũng chẳng bõ bèn gì vì năng suất kém. Quay đi quay lại trừ đi các chi phí, lời lãi không đáng bao nhiêu. Lão tâm tư, không muốn trời cướp không công sức và tiền bạc của mình, phải bắt đất đẻ ra tiền, thế là lão nghĩ thầm sao không chế tạo ra máy cày xới đất, lên luống nạo cỏ cho mía và mì. Cũng dễ hiểu cho suy nghĩ ấy của lão, máy cày mua sẵn ở tiệm quá to không thể phục vụ cho cây mía, mì và lạc được.
Chuyện lão Tấn “gàn” làm máy
Suy nghĩ là vậy không ngờ lão làm thật. Lão nông trình độ lớp 8 tự tay săn lùng mua các vật liệu làm cái máy cày như lão định hình trong đầu. Cái đầu tiên cần làm là phải kiếm động cơ khởi động làm nổ, lão mua nguyên chiếc xe máy cũ ở tiệm về chỉ lấy lốc máy. Tiếp đến lão hình dung chúng di chuyển và cày như thế nào rồi mua nhông xích, bánh răng, trục sắt thép… về lắp ghép hàn nối.
|
Anh Tới luôn tất bật với công việc. |
Lúc đầu thấy lão Tấn mua lốc máy, sắt thép về ai ai cũng ngạc nhiên. Khi biết ý tưởng của lão, người thân cùng hàng xóm bĩu môi cho rằng lão Tấn này điên thật rồi. Vợ lão là người cực lực phản đối ý tưởng viển vông ấy, bà bảo rằng: “Chỉ có người dở hơi mới làm như ông, người ta là nhà khoa học nghiên cứu hàng chục năm trời chế tạo còn không được huống hồ là thằng nông dân như ông”. Lão chống chế rằng: “Người ta chế tạo ra được tên lửa đưa người bay vào vũ trụ, Mặt trăng, sao Hỏa nữa là… Cái máy như tôi là đinh gỉ”. Vợ lão nghe vậy biết không thể ngăn được “ý tưởng điên” của chồng, lườm mắt một cái thật sắc, nguẩy đít bỏ đi không quên quẳng lại câu nói: “Để rồi xem ông làm được gì”.
Hàng xóm hay tin thì đến kéo đến nhà khuyên ngăn lão dừng ý tưởng dở hơi ấy kẻo mất tiền, tốn sức, phí thời gian vô ích. Trong lúc trà dư tửu hậu, có người còn bảo nếu lão chế tạo thành công sẽ lập miếu thờ lão. Khuyên can không được, lúc bỏ về họ không quên ném cho lão nụ cười khẩy đầy mỉa mai, chế giễu.
“Mặc ai nói gì thì nói, làm gì thì làm. Tôi đã quyết thì trời long đất lở tôi vẫn không từ bỏ ý định” - lão khẳng khái. Cũng vì ý tưởng “điên rồ” ấy, vợ và con lão đi ra đường phải cúi người che mặt mà đi để tránh những lời đàm tiếu về lão.
Lão bảo rằng cái khó nhất chính là không có trình độ, kiến thức, mà cái chuyện về cơ khí lão càng mù tịt, thế mới khổ. Nhưng được cái may mắn là 3 đứa con trai lão là thợ cơ khí, lão chỉ việc mua các vật liệu về nhờ con giúp. Lão kể rằng, mấy đứa con làm theo lời lão chỉ muốn thỏa mãn ước nguyện của bố coi như là trả hiếu cho công sức nuôi dạy chúng. Chứ khi nghe ý tưởng của bố thì chúng cũng rùng mình, nhưng suy nghĩ có thoáng hơn khi nghĩ rằng máy chế tạo ra có thể di chuyển chứ không thể cày xới đất được.
Mấy cha con lão hì hục tháo ra lắp vào, hàn hỏng rồi hàn lại, thay cái này thay cái kia. Như có sợi dây tình cảm kết nối, cha con lão kết hợp làm việc ăn ý như hai bánh răng khớp vào nhau. Năm 2010 nảy ra ý tưởng, mất thêm 1 năm trời nữa mới hoàn thành. Nhưng hoàn thành là một chuyện, còn việc nó có cày, xới đất và nạo cỏ được hay không là chuyện khác. Đem máy ra cày, lúc thì nó không chạy, bổ sung ít chi tiết nữa thì chạy được nhưng không cày được đất. Không nản chí, mất thêm 6 tháng để chỉnh sửa, chiếc máy cày mini do lão chế tạo ra đã cày được đất, đánh được cỏ, lên được luống như lúc lão nảy ra ý tưởng. Để máy thực hiện các công năng lão làm 4 lưỡi cày cho từng chức năng cụ thể.
Người dân đến giờ vẫn không quên cái cảnh lão Tấn đem máy ra cày xới đất trên trang trại của lão. Lão hú hét, lăn lộn, nhảy tưng tưng như người lên đồng. Cũng đúng thôi, ai đứng vào hoàn cảnh như lão mà không làm thế. Người thân, hàng xóm hay tin kéo nhau lên tận trang trại chúc mừng. Những nhân công làm việc gần đó thấy chiếc máy cày nhỏ di chuyển trên đồi thì họ lạ lắm, vứt cuốc, xẻng chạy đến xem cái máy kì lạ xới được đất, sớt được cỏ. Khi nghe tin chiếc máy được lão nông chủ trang trại đó chế tạo ra, họ há hốc mồm kinh ngạc.
Lão khoe rằng, cái máy đa năng 4 trong 1 ấy lợi lắm, một ngày với 4 lít xăng nó có thể làm được 5 sào đất Nam Bộ, bằng 15 nhân công gộp lại. Lão tính 4 lít xăng xấp xỉ 100.000 đồng, nếu tiền thuê nhân công ngốn mất 2.250.000 đồng. Với 40ha cả mía, sắn, lạc, mỗi vụ lão tiết kiệm cả trăm triệu chứ chẳng chơi. Thấy cái máy kia hiệu quả, dòng người tứ xứ đổ về nhờ lão rắp láp bán cho họ, nhưng lão bảo rằng lão chỉ thích làm nông chứ không thích làm thợ cơ khí và kinh doanh. Lão giúp người ta bằng chỉ cho họ cách mua các bộ phận chính của máy rồi bảo đến tiệm cơ khí con của lão mà hàn. 3 cửa tiệm của 3 đứa con lão làm không hết việc vì quá nhiều đơn đặt hàng. Lão cười khành khạch, một mũi tên mà trúng hai đích.
Bây giờ lão đã thực sự chiến thắng và trở thành tỉ phú. Hơn 30ha mía, mỗi hécta thu về 70 – 80 tấn, bán với giá 900 - 1.100 đồng/kg, lão kiếm về cả tỉ bạc. Rồi tiền thu lời từ mì với giá 4.000 đồng/kg, mỗi năm lão cũng kiếm lời cả trăm triệu. Ở nhà, lão còn tranh thủ nuôi 600 con gà thả vườn, 100 con heo, 3 hồ cá bự chảng. Trừ chi phí 300 triệu tiền thuê đất, gần 500 triệu tiền trả nhân công cho 10 người với giá 4,5 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận lão thu về cũng tầm khoảng 1 tỉ/năm - một con số mà bất kỳ nông dân nào cũng phải thèm muốn.
Hỏi chuyện đăng ký bản quyền, lão Tấn chép miệng và nói một cách thật thà rặt nông dân: “Mình chế tạo ra cái máy nhằm thay thế sức lao động, tiết kiệm chi phí chứ có phải chế tạo ra để đi thi này nọ đâu mà đăng ký làm gì. Ai dùng thì cứ đến mà mượn, chuyện tôi chế tạo ra cái máy nông dân khắp Tây Nguyên này ai cũng biết hết rồi”.
Chuyện lão Tấn chế tạo máy khiến ai cũng phải ngả mũ thán phục, nhưng nhìn cái cách lão nông này bắt đất hái ra tiền thì không phải ai cũng suy nghĩ và làm được.