Loại bụi có đường kính 10 μm gọi là PM10 (bụi mịn). Nguy hiểm nhất là loại bụi siêu mịn PM2.5. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, ôtô). Khi nồng độ bụi mịn ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này tương tự thời điểm độ ẩm cao hoặc sương mù.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình trước sự ô nhiễm ngày càng nặng nề của không khí, bạn có thể tham khảo một số món đồ sau đây.
Chọn khẩu trang chuyên dụng
Người lớn và cả trẻ em nên mang khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm. Khẩu trang nên có từ 4-5 lớp lọc gồm lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính.
Thực tế, khẩu trang thông thường làm bằng vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Trong khi đó, khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30-40% lượng bụi. Để ngăn được những loại bụi có kích thước siêu nhỏ như PM2.5, chúng ta cần sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng.
|
Khẩu trang đạt chuẩn N95. Ảnh: Safety.
|
Bạn có thể chọn khẩu trang N95 hoặc N99 khi lưu thông trên đường. Đây là một chỉ số của Viện an toàn lao động vệ sinh Mỹ. Một chiếc khẩu trang đạt chỉ số N95 có nghĩa khả năng lọc được bụi, khói, vi khuẩn của sản phẩm là 95%.
Một số mẫu khẩu trang đáng chú ý như N95 3M (Mỹ), N95 Unicharm (Nhật) hay Pitta (Nhật). Mức giá của các mode này dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
Máy đo chất lượng không khí
Các ứng dụng đo chất lượng không khí thường hiển thị chỉ số cao nhất để đại diện cho cả thành phố thay vì lấy kết quả trung bình khiến người dùng không khỏi hoang mang.
|
Máy có thể đo chất lượng không khí trong nhà và ngoài trời. Ảnh: IQAir.
|
Vì vậy, để kiểm tra chất lượng không khí trong gia đình chính xác hơn, người dùng có thể chọn mua những máy đo chuyên dụng.
Một số model đáng chú ý như Xiaomi Air Detector (1,4 triệu đồng), UNI-T A25M (1,8 triệu đồng), MPE (3,1 triệu đồng) hay AirVisual Pro (6,8 triệu đồng). Các sản phẩm có thể đo được lượng hạt bụi không khí trong nhà, độ ẩm, nhiệt độ, lượng khí CO2. Bên cạnh đó, thiết bị còn đưa ra cảnh báo khi chất lượng không khí không đạt chuẩn.
Máy lọc không khí
Bên cạnh khẩu trang chuyên dụng người dùng cũng nên chọn những mẫu máy lọc không khí phù hợp để cải thiện môi trường sống cho gia đình.
Máy lọc không khí có cấu tạo gồm 3 phần chính: khung máy, quạt hút và màng lọc. Trong đó, màng lọc là bộ phận quan trọng nhất, có nhiệm vụ lọc sạch không khí mà quạt hút đưa vào, giữ lại mọi bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn, virus... gây hại sức khỏe.
|
Nhiều người chọn mua máy lọc không khí giá từ 2 triệu đồng.
|
Trước khi mua máy lọc không khí, người dùng cần tính toán diện tích phòng để chọn thiết bị có công suất phù hợp. Với phòng nhỏ dưới 15 m2 (phòng ngủ, phòng đọc sách, phòng làm việc…), bạn nên lắp máy công suất 160 m3/giờ. Phòng ngủ, nơi đọc sách, chỗ làm việc... 35-40 m2 cần máy có công suất trên 360 m3/giờ.
Với phòng khách, phòng sinh hoạt chung, bếp liên thông… trên 40 m2, máy có công suất 510 m3/giờ là tốt nhất.
Một số mẫu máy lọc không khí đáng chú ý hiện nay như Xiaomi Mi Air Purifier 2S (2,8 triệu đồng), Panasonic F-PXJ30A ( 2,8 triệu đồng), Sharp FP-JM30V-B (3,3 triệu đồng) hay Coway AP-1008DH (10,9 triệu đồng).
Điều hòa tích hợp lọc không khí
Để tiết kiệm chi phí, người dùng có thể lựa chọn những mẫu máy điều hòa tích hợp tính năng lọc không khí như LG V10APFN (12 triệu đồng) hay Samsung Digital Inverter Wind-Free (10,5 triệu đồng).
Các model này được trang bị cảm biến để đo nồng độ bụi môi trường và tấm lọc 3M, lọc được hạt bụi siêu nhỏ cỡ 0,3 μm. Điều này giúp người dùng vừa có thể lọc sạch không khí, vừa làm mát.