Con người biết suy nghĩ (Homo Sapiens) là sinh vật duy nhất trên thế gian này biết… nói dối. Loài bướm có thể giấu mình lẫn giữa những cánh hoa sặc sỡ, hay giống sâu róm trú ẩn nghi binh trên các cành cây khô… nhưng đó là những hành động có thật; còn con người lại nói dối một cách cố ý nhằm bao biện cho những động thái không trung thực của mình.
Lịch sử hình sự học quốc tế cách đây hơn một thế kỷ đã xuất hiện máy "phát hiện sự dối trá", hay máy "khám phá sự thật", được công luận gọi nôm na là "máy phát hiện nói dối" (MPHND).
Khao khát bóc trần suy nghĩ
Thế hệ MPHND đầu tiên dạng "cổ điển" dựa chủ yếu vào biểu đồ - mô phỏng sự biến đổi trạng thái thể chất của người được thử. Tiền thân của MPHND hiện đại khởi sự từ nhà hình sự học nổi tiếng người Italia, Cesare Lombroso (1835-1909), người được tôn vinh là "cha đẻ" của ngành tội phạm học, đã có công phát hiện ra rằng "cảm giác sợ hãi do nói dối luôn thể hiện qua mạch tim và nhịp điệu thở".
Trong năm 1895 C. Lombroso chế ra cỗ MPHND đồ họa mô phỏng đầu tiên. Tới năm 1917, các nhà khoa học khám phá thêm là nỗi sợ hãi còn ảnh hưởng lên huyết áp nữa. Dựa trên yếu tố này, luật sư kiêm nhà tâm lý học người Mỹ William Moulton Marston (1893-1947) hoàn thành chiếc MPHND với 3 đại lượng căn bản là nhịp thở, mạch tim và áp lực máu.
|
"Cha đẻ" của MPHND C .Lombroso (ảnh trái) và "điệp viên của mọi thời" A. Ames - người đã vô số lần đánh lừa được MPHND. |
Năm 1926, nhà hình sự học người Mỹ Leonard Keeler (1903-1949) với sự trợ giúp của nhà sáng chế Walter Summers đã hoàn thiện cỗ MPHND quy tụ mọi yếu tố thể hiện bản chất tâm - sinh lý của một cá nhân, kể cả sự bài tiết mồ hôi do quá xúc động… Đến giữa thập niên 50 thế kỷ trước thì việc thẩm tra với MPHND đã trở thành thứ công cụ phổ biến tại hầu hết các nước kỹ nghệ phát triển, MPHND được thường xuyên sử dụng cho công tác thanh, kiểm con người từ thi tuyển công chức, tới phát hiện tội phạm…
Tuy nhiên, về mặt pháp lý hiện đại thì kết quả thẩm tra với MPHND chỉ mang tính thể nghiệm cùng những câu hỏi soạn sẵn, các kết luận sau đó không được xem là bằng chứng "bất di bất dịch" để kết tội hay tha bổng ai đó, mà cần phải song song kết hợp với nhiều cách thức mang tính thuyết phục khác.
Lịch sử nhân loại từng ghi nhận việc sử dụng nhiều cách để khám phá sự dối trá. Ví như ở Trung Hoa cổ đại, trong quá trình nghe tòa luận án, đôi môi của kẻ bị tình nghi được phết một lớp cơm khô. Nếu cơm vẫn tiếp tục khô như trước sau khi kết thúc việc luận tội, có nghĩa rằng đấy chính là thủ phạm, bởi sự bài tiết nước miếng (vì thèm cơm hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn thực phẩm quen thuộc) đã bị chặn lại - do đương sự quá lo sợ.
Những biểu hiện xác đáng do nói dối không bao giờ tồn tại một cách rõ rệt - khoa học gia người Mỹ Paul Ekman, một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu công năng của MPHND, khẳng định - Chẳng có bất cứ một cử chỉ hay điệu bộ cụ thể nào có thể quy kết cho sự dối trá cả. Thông thường là những biểu hiện bằng trạng thái gián tiếp, qua đó giúp các chuyên viên nhận định được vấn đề như xúc cảm của người đang bị thử với MPHND không tương xứng với lời đối đáp của cá nhân anh ta".
Nhiều chuyên gia tội phạm học khác lại chỉ dựa trên 2 yếu tố căn bản là lời nói cùng vẻ mặt lúc trả lời. Nhưng con người ta lại có thể che giấu những cảm xúc thật của mình qua một nụ cười lịch thiệp, hoặc với nét mặt "dửng dưng như không"… đòi hỏi sự điêu luyện của giới chuyên viên vận hành MPHND.
Cho tới thời gian gần đây, việc sử dụng MPHND dạng đồ thị vẫn là cách thức duy nhất nhằm bóc trần sự dối trá. Rồi đột nhiên Công ty Trestech của Israel tung ra thị trường hệ máy "Hendi Trester", có kích thước cỡ bàn tay người cùng tính năng có thể phân biệt sự "lắt léo" trong âm giọng của ai đó - so với khẩu ngữ "chuẩn" của kẻ ấy khi nói thật. Thời gian so sánh - thẩm tra chỉ mất đúng 30 giây đồng hồ. "Hendi Trester" giá 50 USD và có thể biến đổi công năng - chỉ qua một nút nhấn - thành một chiếc máy điện thoại di động bình thường. Trên màn hình tinh thể lỏng là một quả táo, cứ "rơi rụng - sứt mẻ" dần nếu người đối thoại liên tục nói dối.
Theo lời người đại diện Hãng Trestech, trung bình cứ 10 đương sự được hỏi thì có 8 trường hợp bị "Hendi Trester" lật tẩy là đang nói dối, với xác suất chính xác là 80%. Cuộc thử nghiệm công khai đầu tiên của thiết bị mới là vào dịp tranh luận trên truyền hình Mỹ giữa các ứng viên George W. Bush và Al Gore, cũng là 2 đối thủ "nặng ký" trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng dạo cuối năm 2000.
"Hendi Trester" đã phát hiện ra Bush nói dối tới 57 lần, còn Gore - 23 lần. Câu "đạo đức giả" thể hiện sự dối trá tiêu biểu của G. W. Bush là: "Mỗi người trong chúng ta đều phải yêu thương con trẻ bằng cả tâm hồn và trái tim mình"; còn với Al Gore là câu: "Chúng ta vẫn sẽ kiên trì tiếp tục ủng hộ cho thể chế Do Thái"…
Tự dạng cũng là một khía cạnh khác giúp phát hiện ra sự dối trá. Công ty SAS Institute chuyên phát triển phần mềm phân tích, có trụ sở đặt tại thành phố Cary (tiểu bang North Carolina, Mỹ) vừa thông báo đã chế xong thứ thiết bị có tên "Test Minor", với tính năng cho phép việc so sánh các tự dạng "chuẩn" đến đâu. Ví dụ kẻ tội phạm sẽ bị phát hiện, nếu như nét chữ của hắn ta khi buộc phải viết tường trình cung khai lại quá "run rẩy" so với lúc bình thường.
Một nhóm các nhà khoa học Mỹ tại bệnh viện Mio ở thành phố Rochester (tiểu bang Minnesota), do Giáo sư bác sĩ James Levine đứng đầu lại lên tiếng đề nghị nên trang bị cho các MPHND đời mới loại ống kính ghi hình siêu nhạy, có thể ghi nhận tới từng chi tiết thay đổi nhỏ nhất trên da mặt người đang bị thẩm vấn.
Bởi lúc buộc phải nói dối, đương nhiên lượng áp huyết máu sẽ dồn lên phần đầu, khiến da mặt đương sự dần "ửng đỏ" nhất là ở vùng quanh cơ quan thị giác. Những vi mạch li ti hiện lên bất chợt ấy có thể mắt thường không nhận thấy, nhưng ống kính kỹ thuật số siêu nhạy lại nắm bắt được.
Qua thực nghiệm, có cả thảy 75% các trường hợp nói dối đã bị phát hiện bởi "liệu pháp ghi hình" này, dựa theo công bố của nhóm nhà khoa học Minnesota nói trên. Mặt vượt trội nữa của phương thức thẩm tra mới là ống kính cực nhạy tức khắc lưu trữ thông số cần thiết, không cần phải qua "nấc trung gian" là giới nhân viên vận hành và thẩm định kết quả từ MPHND. Ngoài ra "liệu pháp ghi hình" còn có thể đem áp dụng tại các phi trường và cửa khẩu, nhằm phát hiện ra những tên khủng bố đáng nghi vấn nhất.
Máy không thắng nổi con người
Tháng 3-2011, giới chức Đài Loan bắt giữ một viên tướng với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Đó là tướng La Hiền Triết, bị giới chức an ninh Đài Loan bắt hồi tháng 2-2011 nhờ máy phát hiện nói dối. Thực tế là hàng ngày có hàng ngàn người từ Đại lục sang Đài Loan làm ăn, thăm thân hay du lịch và giới chức an ninh Đài Loan tin rằng, các điệp viên đang lợi dụng điều kiện đi lại dễ dàng hơn, do vậy sử dụng máy phát hiện nói dối là cách hiệu quả nhất để kịp thời phát hiện ra những điệp viên này.
Theo giới chức an ninh Đài Loan, các nhân viên thuộc lực lượng tình báo Đài Loan vào khoảng thời gian này thường xuyên sử dụng máy phát hiện nói dối để kiểm tra từng điệp viên, binh lính và sĩ quan quân đội, cảnh sát ở địa phương hay đóng tại nước ngoài trong và sau thời gian được bổ nhiệm. Những nhân viên của các ngành an ninh liên quan đến công việc nhạy cảm cũng sẽ phải bị kiểm tra.
Riêng những người cực lực phản đối sự áp dụng đại trà MPHND trong đời sống hiện đại vẫn luôn bảo lưu quan điểm, rằng con người mới là nhân tố quyết định chứ không phải phương tiện kỹ thuật. Ví như 2 trường hợp tiêu biểu, mang đậm nét thất bại do quá "ỷ" tin vào MPHND trong thời gian gần đây chẳng hạn.
Đầu tiên phải kể đến "điệp viên của mọi thời" Aldrich Ames, hoạt động cho tình báo Liên Xô trước đây và tình báo Nga sau này trong suốt 9 năm ròng (từ 1985 - 1994), và đó cũng chính là người "đã mang lại nhiều tổn thất nhất cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hơn bất cứ điệp viên nào trong lịch sử ", như nhận định của giới chuyên viên CIA cao cấp đương thời. A. Ames đã "qua mặt" MPHND trong mọi cuộc kiểm tra thường kỳ hay đột xuất, bất chấp việc người ta đã phát hiện ra sự rò rỉ thông tin tối mật từ bên trong nội bộ chóp bu CIA ngay từ giữa thập niên 1980.
Thật ra, có một số phương pháp đánh lừa chiếc máy này. Theo điệp viên Aldrich Ames kể lại, phía Liên Xô từng hướng dẫn ông: "Phải cố ngủ ngon, nghỉ ngơi để bước vào buổi kiểm tra với tâm trạng thoải mái nhất. Nói năng hòa nhã và đừng gây căng thẳng với các nhân viên kiểm tra, trước đó hãy thiết lập một mối quan hệ tốt, và cố tỏ ra hợp tác, đồng trời duy trì sự bình tĩnh của mình".
Ngoài ra còn một số phương pháp khác, ví dụ như thu thập các câu hỏi mà các kiểm tra viên thường đặt ra và thực tập trước khi phỏng vấn thật sự. Khi đó, người trả lời sẽ cố gắng điều hòa nhịp thở của mình khi trả lời những câu hỏi thuộc dạng mình đã thực tập nhuần nhuyễn, và tìm cách tăng nhịp tim khi gặp các câu hỏi khác (ví dụ suy nghĩ về những gì mình sợ hãi hoặc kín đáo dùng vật nhọn đâm vào người, v.v...). Bằng cách đó, kết quả của máy sẽ không đưa ra bất cứ dấu hiệu khác biệt nào giữa những câu hỏi được thực tập với các câu hỏi còn lại.
Trường hợp thứ hai là công dân Mỹ Roger Keith Coleman (1958-1992), bị bắt năm 1982 về tội cố ý gây án mạng để sát hại chị dâu. Bằng chứng là 2 sợi tóc của hung thủ "sót" lại trên người nạn nhân. R. Coleman lĩnh án tử hình và một ngày trước khi hành quyết, vào hôm 19/5/1992, giới tư pháp nhà tù quyết định thẩm tra đương sự "lần chót" với MPHND.
Kết quả thật “mãn nguyện”: máy "quy chụp" Coleman nói dối 100% và án được thi hành ngay. Kế tiếp là những lời kêu oan dai dẳng từ phía người thân của Coleman, khiến một Hội đồng đặc biệt cấp Liên bang đã được thành lập. Người ta tiến hành kiểm tra lại mọi điều, kể cả tái lập sự "đối thoại" với MPHND.
Té ra là đương sự đã bị "điệu" ra trước MPHND trong trạng thái căng thẳng và bầu không khí ngột ngạt, khiến một người với hệ thần kinh bình thường cũng không thể chịu nổi để mà nói thật được. Các "bằng chứng sống" cùng nhiều dữ kiện khác cũng được lật lại, để rồi đi đến quyết định sau cùng rằng R. Coleman không phải là thủ phạm.
Nhưng đợi tới lúc ấy thì anh ta đã ra… người thiên cổ từ lâu rồi. Còn hung thủ đích thực thì mãi đến tận bây giờ vẫn chưa tìm ra…
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):