Hàng loạt những vụ tai nạn từ điện thoại mới đây đã khiến nhiều người lo sợ.
Tử vong vì vừa sạc vừa nghe điện thoại
Trong cuộc sống hiện đại, điện thoại đã dần trở thành "vật bất li thân" đối với cuộc sống con người. Tiện ích của nó chẳng ai có thể phủ nhận, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn những mối nguy hại vô cùng lớn về sức khỏe, thậm chí đánh đổi cả tính mạng nếu như chúng ta sử dụng không đúng cách.
Mới đây nhất, vào ngày 9/6/2015, một cô gái tên là Tiểu Mỹ (24 tuổi), đến từ thành phố Phổ Giang (Trung Quốc) do có thói quen vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin đã bị rò điện dẫn đến tử vong. Theo thông tin mà người nhà của Tiểu Mỹ cung cấp, trước đó, cô đã cắm sạc cho chiếc điện thoại của mình. Thế nhưng, một lúc sau người nhà phát hiện ra cô nằm bất động ngay dưới sàn nhà với chiếc điện thoại bên cạnh. Khi người nhà Tiểu Mỹ phát hiện sự việc, chạm vào chiếc điện thoại thì thấy có dòng điện khiến họ bị giật. Và đó có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Tiểu Mỹ.
|
Một nạn nhân bị bỏng da do điện thoại phát nổ. Ảnh: L.N.
|
Cách đấy mấy ngày, vào tối 5/6, một chàng trai ngụ tại quận Thung Song (tỉnh Nakhon Si Thammarat, miền Nam Thái Lan) cũng đã thiệt mạng do bị điện giật khi vừa sạc điện thoại vừa sử dụng tai nghe để nghe nhạc trong lúc đi ngủ. Cảnh sát phát hiện nam thanh niên tử vong khi vẫn mặc đồng phục và đeo tai nghe nhạc. Bên cạnh đó là chiếc điện thoại đang được sạc pin. Sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi, cảnh sát phát hiện hai tai của nạn nhân xuất hiện vệt đen do cháy, bỏng. Kết luận ban đầu là do chập điện đột ngột dẫn đến xung điện thẳng vào tai khiến chàng trai tử vong.
Không chỉ ở nước ngoài, tại Việt Nam cũng đã xảy ra hàng loạt vụ cháy nổ do thói quen sử dụng điện thoại không đúng cách. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra khá dửng dưng trước vấn đề này. Theo thống kê chưa chính thức, ở Việt Nam đã xảy ra hàng chục vụ do nổ pin, điện giật khi sử dụng điện thoại.
Điển hình là cái chết của anh Kiều Thế Bắc (SN 1992, ngụ tại Lâm Đồng) năm 2012. Anh Bắc được xác định là đã bị nạn do dây sạc pin điện thoại hở mạch, quấn vào cổ tay dẫn đến bị điện giật. Hay vào trưa 10/9, chị Diệp Tú Anh (39 tuổi, ngụ tại đường Tân Chánh Hiệp 07, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM) khi đang di chuyển trên đường thì chiếc điện thoại trong túi quần phát nổ. Vụ tai nạn khiến chiếc quần của chị Tú Anh bốc cháy, da bị bỏng. Ngay lập tức, chị được mọi người đưa đến Bệnh viện Quận 12 cấp cứu. Gần đây nhất, anh Đoàn Văn Hùng (45 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM) bị bỏng nặng gần như toàn thân khi nghe điện thoại lúc có tia lửa điện phóng xuống…
Hít độc, hại não
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho rằng, điện thoại phát nổ có chiều hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Nguyên nhân các vụ cháy nổ thường là do pin điện thoại giả, chất lượng thấp, pin không chính hãng hoặc do thói quen sử dụng pin không đúng cách của người sử dụng.
KS Nguyễn Huy Bạo cho biết, ở nhiệt độ cao, các hóa chất có trong pin sẽ nở ra và phát nổ. Dù là pin khô hay pin ướt thì đều có thành phần là các loại hóa chất, các axít tạo ra môi trường điện từ. Ở pin khô thì người ta thấm các dung dịch này vào vật liệu chuyên dụng. Khi ở nhiệt độ quá cao, pin có thể bốc ra các loại khí như niken, chì, rất độc hại cho cơ thể nếu hít phải. Vậy là chưa cần đến điện thoại phát nổ, điện thoại bị nóng quá mức cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho con người.
Việc vừa sạc pin vừa nghe điện thoại không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi nghe điện thoại trong trạng thái sạc sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hơn so với nghe điện thoại ở trạng thái thông thường. Ngoài ra, do tác dụng của sóng cao tần (cỡ 1,8 GHz) phát ra từ điện thoại di động khi thời gian sử dụng kéo dài (vì việc sạc pin thường lâu) đã ảnh hưởng tới não người sử dụng. Bởi vậy, khi sử dụng điện thoại di động thì không nên sử dụng kéo dài, không nên để điện thoại gần những bộ phận nhạy cảm như não, tim... Đặc biệt trong thời gian đầu (khoảng 10 giây từ khi bật điện thoại), tuyệt đối không nên nghe, gọi vì trong khoảng thời gian này công suất điện thoại di động lớn hơn nhiều ngưỡng an toàn cho phép, dễ xảy ra nguy cơ ảnh hưởng đến các bộ phận nhạy cảm của cơ thể con người.
Các chuyên gia khuyến cáo, hãy sử dụng các thiết bị điện thoại của những hãng có thương hiệu, sử dụng phụ kiện (pin, bộ sạc...) kèm theo điện thoại có nguồn gốc rõ ràng, được chính hãng ủy quyền và đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng.
Đối với các hãng điện thoại chính hãng, có chất lượng tốt thì cũng tuyệt đối không vừa sạc pin vừa nghe điện thoại, không để điện thoại trong người, vừa tránh được tác hại của sóng điện từ, vừa phòng chống cháy nổ. Không để điện thoại sạc dưới gối khi nằm ngủ. Không để chế độ mở wifi liên tục hay chế độ tự động cập nhật và tải về các ứng dụng có trong điện thoại, đặc biệt là các loại điện thoại thông minh.
Theo KS Nguyễn Huy Bạo, khi nguồn pin xuống quá thấp, lượng bức xạ sẽ tăng lên rất nhiều lần, điều này sẽ gây tổn hại lớn đến sức khỏe, đặc biệt là trí não. Khi pin vừa sạc vừa xả sẽ làm cho tuổi thọ của pin giảm nhanh chóng, đồng thời, việc nạp/xả liên tục sẽ khiến cho pin bị nóng lên nên khả năng nổ pin hay các thiết bị linh kiện, hoặc rò điện có thể xảy ra. Do dó, tuyệt đối không vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại.
Các chuyên gia khuyến cáo, hãy sử dụng các thiết bị điện thoại của những hãng có thương hiệu, sử dụng phụ kiện (pin, bộ sạc...) kèm theo điện thoại có nguồn gốc rõ ràng, đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng.
Khi dùng điện thoại chính hãng thì cũng tuyệt đối không vừa sạc pin vừa nghe điện thoại. Không để điện thoại trong người, vừa tránh được tác hại của sóng điện từ, vừa phòng chống cháy nổ.
Không để điện thoại sạc dưới gối khi nằm ngủ. Không để chế độ mở wifi liên tục hay chế độ tự động cập nhật và tải về các ứng dụng có trong điện thoại, đặc biệt là các loại điện thoại thông minh.