Sau khi Google ra mắt dịch vụ lưu trữ và chia sẻ hình ảnh không giới hạn dung lượng Google Photos, rất nhiều người quan tâm và tỏ ra hứng thú với dịch vụ này. Tuy nhiên mới đây, Google đã gặp phải một rắc rối không hề nhỏ với dịch vụ này. Khi mà dịch vụ lưu trữ hình ảnh này đã tự động tag một bức ảnh chụp hai người da đen là Gorillas (khỉ đột).
Mặc dù Google là một trong những công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm và trí tuệ nhân tạo máy tính. Tuy nhiên hệ thống này của Google vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể hoàn thiện hơn. Sự việc trên chính là một minh chứng cho thấy điều đó, nó cho thấy hệ thống tự động tag của Google vẫn chưa hoàn thiện.
|
Hình ảnh gây nên vụ bê bối của Google.
|
Lập trình viên Jacky Alciné phát hiện ra lỗi này và đăng bức ảnh lên trang Twitter cá nhân kèm chú thích: “Bạn tôi không phải là khỉ đột”. Ngay sau đó, Google đã phải đưa ra lời xin lỗi và thay đổi thuật toán của mình.
Google Photos có thể giúp người dùng tìm kiếm hình ảnh thông qua các từ khóa, bên cạnh đó nó cũng đưa ra những gợi ý được sắp xếp trong các danh mục. Và không may là trong danh mục Gorillas (khỉ đột), lại có một bức ảnh chụp hai người da đen.
Công ty đã gỡ bỏ danh mục “gorilla” nên khi tìm từ khóa này, bạn không còn thấy các gợi ý xuất hiện nữa. Yonatan Zunger, Kiến trúc sư trưởng mảng xã hội tại Google, cam kết công ty sẽ cải thiện khả năng nhận diện màu da và cẩn thận hơn với các nhãn về con người trong ảnh.
Nếu như hệ thống máy tính không phân biệt được sự khác nhau giữa một bức ảnh chụp con người và một bức ảnh chụp khỉ đột, điều đó có thể hiểu được. Tuy nhiên, nếu hệ thống máy tính không thể phân biệt mà vẫn gán tag “khỉ đột” cho một bức ảnh con người, thì đó là sự xúc phạm.
Google cho biết, dịch vụ Google Photos của mình vẫn còn cần phải hoàn thiện. Khi mà có nhiều bức ảnh được tải lên Google Photos hơn và có nhiều người sử dụng hơn, hệ thống sẽ có thể tự học hỏi và hoàn thiện mình hơn so với hiện nay. Trên thực tế tính năng tìm kiếm bằng giọng nói của Google cũng được hoàn thiện hơn sau khi có số lượng người dùng đông đảo.
Bên cạnh sự cố trên, Google cũng từng gặp phải một vụ việc tương tự với kênh YouTube Kids dành cho trẻ em. Google đã sử dụng một bộ lọc tự động để loại bỏ các video không phù hợp với trẻ nhỏ. Tuy nhiên hệ thống này vẫn để lọt một số video có nội dung “người lớn”. Khi ấy, phát ngôn viên Google cho rằng “gần như không thể có độ chính xác 100%”.