Trong trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Nhật Bản vào tối 14/1, mỗi đội có một bàn thắng mà trong đó có cầu thủ (không phải cầu thủ ghi bàn) bị việt vị. Nhưng 2 bàn thắng này đều được công nhận.
Vì vậy, netizen Trung Quốc cho rằng các trọng tài đang quyết định theo “tiêu chuẩn kép” vì bàn thắng tương tự của ĐT Trung Quốc bị hủy trong trận với ĐT Tajikistan.
Một số chuyên gia về bóng đá mới đưa ra lời giải thích cho những tình huống này, căn cứ trên một khái niệm quan trọng mà các trọng tài vẫn áp dụng là “ở vị trí việt vị có ảnh hưởng tới cầu thủ đối phương”.
Một tình huống trong trận ĐT Việt Nam - ĐT Nhật Bản. Ảnh: AFC.
Theo định nghĩa về việt vị thì có thể coi là các cầu thủ Hosoya (một số trang ghi là Taniguchi, số 3) của ĐT Nhật Bản, Phạm Tuấn Hải của ĐT Việt Nam và Jiang Guangtai của ĐT Trung Quốc đều việt vị. Nhưng còn yếu tố “có ảnh hưởng tới cầu thủ đối phương”?
Ở tình huống Minamino ghi bàn, không có các cầu thủ ĐT Việt Nam đứng chắn đường sút bóng. Nên Hosoya và cả Taniguchi của ĐT Nhật Bản không chắn tầm nhìn hay cản trở các cầu thủ ĐT Việt Nam. Taniguchi thậm chí còn không di chuyển theo hướng của quả bóng.
Các cầu thủ ĐT Nhật Bản không tác động vào bóng hay cầu thủ đối phương. Ảnh: AFC.
Còn ở tình huống Đình Bắc đánh đầu ghi bàn cho ĐT việt Nam, dù Tuấn Hải có vẻ đã việt vị, nhưng cú đánh đầu của Đình Bắc khiến bóng đi vòng cung, rất cao so với cả Tuấn Hải lẫn cầu thủ ĐT Nhật Bản đang đứng gần đó. Dù Tuấn Hải có nhảy lên và dùng cả tay cũng chưa chắc chạm được vào bóng. Trong khi đó, thủ môn Suzuki đang nhìn theo bóng nên cả tầm nhìn lẫn khả năng cản phá bóng đều không bị Tuấn Hải làm ảnh hưởng.
Cú đánh đầu của Đình Bắc khiến bóng đi rất cao, Tuấn Hải hay các cầu thủ ĐT Nhật Bản cũng không thể tác động. Ảnh: AFC.
Trở lại với tình huống của ĐT Trung Quốc, ở thời điểm Zhu Chenjie đánh đầu, cả người Jiang Guangtai chặn trước một cầu thủ ĐT Tajikistan. Và mặc dù cầu thủ của ĐT Tajikistan không nhảy lên, nhưng đúng là bóng đã bay vào lưới ngay trên đầu anh này, tức là Jiang có thể đã cản trở tầm nhìn và khả năng phòng ngự của đối phương. Đây chính là điểm khác biệt giữa tình huống đưa bóng vào lưới đối phương của ĐT Trung Quốc so với ĐT Việt Nam và ĐT Nhật Bản.
Jiang Guangtai của ĐT Trung Quốc có cản trở cầu thủ đối phương. Ảnh: AFC.
Do đó, khi trọng tài chính bắt nghiêm thì việc các bàn thắng của ĐT Việt Nam và ĐT Nhật Bản được công nhận còn bàn thắng của ĐT Trung Quốc bị hủy là đúng nguyên tắc.