Trào lưu quay clip ăn uống ngày càng thịnh hành, không chỉ với các vlogger mà đối với rất nhiều bạn trẻ. Bên cạnh những clip Mukbang (vừa ăn uống vừa ghi hình) thì dạng clip ngắn thực hiện các thử thách cũng ngày càng được ưa chuộng, với cả người làm và người xem. Thế nhưng cũng từ trào lưu này, nhiều trend "độc hại" về ăn uống đã ra đời khiến cho người xem, từ trẻ em đến người lớn đều rất có thể (thậm chí là đã có) bắt chước vô tội vạ. Chỉ cần lướt qua các mạng xã hội như Facebook, đặc biệt là TikTok sẽ dễ dàng bắt gặp những clip như trên. Người làm video vì câu like tương tác, cư dân mạng bình luận bắt ép ăn những món kì quặc.
TikTok đang có vô số video ăn uống kì quặc.
Lượng tương tác vô cùng khủng, trên tab thịnh hành liên tục hiện các đoạn video này khiến người ta không khỏi đặt dấu chấm hỏi về độ an toàn của trào lưu ăn uống này ở thời điểm hiện tại.
1. Câu like, kiếm "fame" từ các clip ăn uống
Đáng lên án nhất trong khoảng thời gian gần đây chính là các video liên quan đến đề tài ăn uống. Nhiều khán giả cũng bình luận, trên TikTok có 2 kiểu video dễ lên thịnh hành, một là trai xinh gái đẹp, hai là làm video ăn uống.
Không tin bạn cứ nhìn vào kênh của Bà Lý Vlog thì rõ, ngay cả khi bị cư dân mạng lên án mạnh mẽ vì copy Bà Tân, kênh của Bà Lý vẫn ào ào lượt "thả tim" và follow của cư dân mạng.
2. Phẫn nộ với trào lưu "các em bình luận anh sẽ ăn hết": Từ thịt sống, cá tươi, hoa hồng đến vỏ sầu riêng, cái gì cũng làm video ăn được?
Chính vì việc "kiếm fame" quá dễ dàng, nhiều chủ kênh đã chọn con đường đi tắt để nhanh chóng nổi tiếng trên ứng dụng này. Bằng chứng là hàng loạt các video ăn uống "kinh dị" ra đời, nhằm mục đích phục vụ thú vui tiêu khiển của người xem.
Những video câu like thường đến từ các TikToker nước ngoài, tuy nhiên, thời thế bây giờ đã khác.
Ngoài ra, những người mang tiếng làm "sáng tạo" này đánh thẳng vào tâm lí "gây sốc", không lại làm theo lời cư dân mạng ăn các món như "thịt sống", "vỏ sầu riêng"... thậm chí là hoa hồng sống cũng ăn. Và điều ngạc nhiên nhất là, những video này không phải lấy từ nước ngoài, mà được sản xuất trực tiếp bởi người Việt.
Một kênh TikTok chuyên làm video "bình luận gì ăn nấy" vô cùng hot trên với hơn 13 triệu lượt thả tim.
Nổi tiếng nhất trên TikTok hiện nay là kênh T.T, T thường xuyên đăng các video ăn uống theo yêu cầu khán giả. Ban đầu, kênh của T không mấy người chú ý khi làm các video nhảm liên quan đến chủ đề "làm thuốc trường sinh bất tử", tuy nhiên, sau khi đổi đề tài qua ăn các món gây sốc như "vỏ sầu riêng", khổ qua xanh... lượng tương tác cao hơn hẳn.
Các video gây sốc từ bình luận yêu cầu ăn của cư dân mạng.
Mục đích làm các video câu khách này ai cũng thấy rõ, T đang bán hàng online đồng thời nhận luôn cả quảng cáo trên TikTok.
Thậm chí gần đây còn nổi lên một tài khoản khác tên H, người này làm video y hệt như T, nhưng có phần gây sốc hơn cả bản gốc khi ăn cá sống, thịt heo sống, giun đất, đất đá... theo yêu cầu từ cộng đồng mạnh. Các video này viral đến mức đạt cả triệu lượt xem dù kênh của thanh niên này chỉ mới lập.
Bạn có đủ can đảm để xem kiểu video gây sốc thế này?
Cư dân mạng độc ác, người dùng cố tình câu view hay vì các mạng xã hội quản lí chưa chặt... hỏi đi hỏi lại vẫn chưa biết lỗi tại ai!
Đầu tiên là phải trách các chủ của những kênh này cố tình làm video gây sốc, nhưng nếu cư dân mạng quyết liệt tẩy chay đến cùng, thay vì "hò reo" bình luận ăn các món kinh dị hơn thì "em mới ủng hộ anh"... Có phải vì vậy nên ai cũng có lỗi?
Các bình luận rùng mình của cư dân mạng.
Tuy nhiên, nhiều người dùng "tỉnh táo" cho rằng ngay cả khi họ đã nhấn nút báo cáo, các video này vẫn ngang nhiên xuất hiện trên top thịnh hành của TikTok.
Tóm lại, chúng ta vẫn nên "tự bảo vệ mình" trước những thông tin độc hại
Mạng xã hội có mặt lợi, nhưng cũng có mặt hại, tự bản thân mỗi người phải là màng lọc, biết lựa chọn nội dung để xem và "block" ngay khi cần thiết. Hiện nay ứng dụng TikTok đang được gắn nhãn 13 , tuy nhiên, vẫn có rất nhiều trẻ em sử dụng ứng dụng này từ điện thoại bố mẹ để giải trí. Cần phải đề phòng ngay và luôn vì không ai nói trước được điều gì.
Nếu bạn chưa quên, đã từng có trường hợp bé 14 tuổi ăn uống bắt chước theo một blogger nổi tiếng Trung Quốc và thương vong. Phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh!