Một clip ngắn chia sẻ về quá trình bấm lỗ tai cho bé gái vài tháng tuổi đang gây chú ý trên cộng đồng mạng Facebook. Theo đó, một bà mẹ đã giữ chặt con để cho 2 nhân viên bấm lỗ tai. Ban đầu bé gái vui vẻ và có phần ngơ ngác khi có người đụng vào mình.
Tuy nhiên, sau khi bị súng bấm vào lỗ tai, bé đã giật mình và khóc thét lên. Trong khi đó cả người mẹ và nhân viên vô cùng thản nhiên và thực hiện thao tác một cách thuần thục. Bé gái này khóc nức nở mặc dù đã được mẹ vỗ về và chỉ đến khi được nhét ti giả vào miệng bé mới nín.
Hơn 12.000 người đã tham gia bình luận và đoạn clip này thu hút 3,6 triệu lượt xem. Đa số các bậc phụ huynh không đồng tình với hành động của người mẹ và cho rằng dù là trẻ còn nhỏ nhưng cha mẹ cũng không được phép.
"Trời ơi, thương em bé quá. Tôi thực sự buồn và tức giận khi xem video này" hay "Tất cả chỉ vì lợi ích của cha mẹ. Phải làm gì đó để ngăn chặn điều này xảy ra". Thậm chí có người còn cho rằng bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh là hành động bạo hành trẻ.
Dù vậy, cũng có người đồng tình và bày tỏ đây là chuyện bình thường và không hề hành hạ con. "Nếu khi lớn bé không thích thì có thể không đeo" hoặc "Tôi rất vui vì mẹ tôi đã bấm lỗ tai cho tôi lúc nhỏ. Chứ bây giờ tôi đã lớn mà bấm chắc tôi sẽ bị ám ảnh nỗi đau".
Trước những luồng ý kiến, bà mẹ này thẳng thắn nói: “Bé có khóc không? Có nhưng chỉ vài giây thôi. Và tôi có hối hận vì điều đó không? Không”. Cô nhận thấy rằng con mình xinh đẹp hơn khi đeo khuyên tai và yêu thích công việc lựa chọn hay thay đổi khuyên tai cho bé cưng của mình.
Có nên bấm lỗ tai cho trẻ nhỏ?
Bác sĩ Carol Cooper, tác giả cuốn sách Chăm sóc con – Giải đáp những vấn đề thường gặp, đã chia sẻ về những tác động của việc bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh hay trẻ mới biết đi.
Theo đó, đây có thể được coi là hành động bạo hành trẻ em nhưng lại là việc làm phổ biến ở nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa và ít nhiều ảnh hưởng đến các hủ tục mà một số cô gái phải chịu đựng. Chắc chắn là có nguy hiểm.
Bé có thể bị nhiễm trùng và đó là lý do vì sao nhiều bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên chờ đợi cho đến khi trẻ được tiêm phòng uốn ván mũi đầu tiên lúc 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn khác mà vắc xin thông thường không ngăn được. Nhìn bấm tai sạch sẽ nhưng thực tế không đảm bảo an toàn.
Rách dái tai cũng là một nguy cơ nếu bông tai vướng vào quần áo, chăn màn hoặc em bé giật nó. Hơn nữa, bông tai có thể rơi ra và nó vô tình trở thành vật nguy hiểm có nguy cơ gây ngạt thở cho trẻ nếu không may rơi vào mũi họng.
Bên cạnh đó, trẻ có thể bị sẹo lồi. Đó là tất cả lý do tại sao chúng ta nên đợi cho đến khi con đủ tuổi muốn bấm lỗ tai cũng như tự chăm sóc cho mình.