Thành công của bóng đá Việt Nam những năm gần đây đã khiến môn thể thao này trở thành chủ đề được quan tâm. Các cô gái cũng có cách hâm mộ môn thể thao vua theo một cách riêng, giản dị, chân thành nhưng không kém phần cuồng nhiệt.
Không dừng lại ở việc âm thầm dõi theo những trận bóng đá sôi động, Nguyệt Hà đang biến tình yêu đó thành một công việc tuy vất vả nhưng đáng ghen tị với bất kỳ fan bóng đá nào. Phạm Thị Nguyệt Hà (sinh năm 1999) đang là sinh viên năm 2 ngành quản trị sự kiện - ĐH Greenwich (Việt Nam). Cô sống tại TP.HCM và là cộng tác viên của một số tờ báo thể thao trong nước.
|
Đam mê bóng đá từ lâu nên Nguyệt Hà sẵn sàng theo đuổi công việc phóng viên thể thao dù gặp nhiều vất vả. |
- Cơ duyên nào đã khiến bạn chọn nghề phóng viên thể thao - một công việc tương đối vất vả, nhất là với một cô gái?
- Cơ duyên với nghề báo của mình đến rất bất ngờ khi vào năm 2016, mình tham gia cuộc thi Miss FC Barcelona Vietnam và may mắn đạt Á quân. Lúc bấy giờ, mình tình cờ quen biết với một nhà báo tên tuổi và nhận được lời mời cộng tác với đơn vị của anh. Kể từ đó, mình bắt đầu những bước đầu tiên trong nghề...”.
- Bạn yêu thích đội bóng nào nhất?
- Mình bắt đầu xem bóng đá từ năm 2014. Khi ấy, mình chỉ xem cho vui và chủ yếu là bóng đá nước ngoài. Barcelona là câu lạc bộ châu Âu đầu tiên và duy nhất mà mình yêu thích. Ngoài ra, ở V.League, mình còn theo dõi rất sát CLB bóng đá Hải Phòng - đội bóng quê hương mình.
|
Cô nàng là một fangirl đích thực của CLB bóng đá Barcelona. |
- Phóng viên là nghề vất vả, nhất là với nữ giới. Bạn có nhận được sự ủng hộ từ gia đình hay không?
- Tại nơi đầu tiên cộng tác, việc ban đầu khá của mình khá nhàn, khi chỉ tổ chức các sự kiện offline cho fan bóng đá. Tuy nhiên, hầu hết trận bóng đá ở châu Âu đều diễn ra vào tối đêm theo giờ Việt Nam, nên mình thường xuyên phải thức khuya, về nhà trễ khiến bố mẹ lo lằng. Điều đó khiến gia đình ngăn cản mình, thậm chí còn dọa “từ mặt”.
Tuy nhiên, dần dà, hiểu đam mê của con gái, bố mẹ mình đã ủng hộ và giúp mình có thêm động lực theo đuổi công việc này.
|
Cô nàng phóng viên không ngại rong ruổi khắp các sân cỏ từ Bắc vào Nam. |
- Việc trở thành một phóng viên thể thao đã mang đến cho bạn những trải nghiệm gì thú vị, khác biệt?
- Đam mê bất tận của mình là bóng đá. Vì thế, mình rất mãn nguyện khi có thể sống, học hỏi và kiếm tiền từ chính đam mê này. Bóng đá Việt Nam đang phát triển trong 2 năm trở lại đây và được cả nước dõi theo. Là một người trẻ, thú thật thì ban đầu mình thấy… rất “oách” khi mặc áo bib phóng viên đứng dưới đường pitch, rất gần với những cầu thủ.
Tuy nhiên, khi người khác được thưởng thức trọn vẹn một trận bóng, thì phóng viên phải luôn chân luôn tay chụp ảnh, chỉnh sửa, gửi về cơ quan… sao cho đơn vị của mình lên bài sớm nhất có thể. Nhưng đổi lại, mình đã có dịp được gặp gỡ nhiều nhân vật thú vị cả trong làng báo lẫn làng bóng đá. Nghề báo cũng đưa mình đi nhiều nơi và dạy mình nhiều bài học thú vị, hữu ích.
- Kỷ niệm nào khiến bạn nhớ nhất trong những lần đi tác nghiệp?
- Dù mưa hay nắng, các phóng viên đều phải có mặt dưới sân khi trận đấu bắt đầu. Với con gái như mình thì đó cũng là thử thách. Việc làm ngoài trời liên tục, vác theo laptop và máy ảnh cũng “bào mòn nhan sắc” lắm.
Cách đây 2 tháng, mình đến Phú Thọ tác nghiệp trận giao hữu của U23 Việt Nam. Chắc nhiều người vẫn nhớ những hình ảnh sấm chớp, mưa gió trên truyền hình hôm đó. Gần 1h sáng, mình mới xong việc để di chuyển về Hà Nội. Mải mê công việc chẳng để ý gì, đến khi xong xuôi, mình mới cảm thấy thấm lạnh và đói lả vì chưa ăn gì. Nhiều khi mình cũng không biết năng lượng đến từ đâu nữa.
|
Nguyệt Hà hiện là một sinh viên năng động tự tin ngành quản trị sự kiện - Đại học Greenwich (Việt Nam). |
- Đam mê bóng đá và muốn theo nghề phóng viên, tại sao bạn lại theo học ngành quản trị sự kiện của ĐH Greenwich (Việt Nam)?
- Mình chọn ĐH Greenwich (Việt Nam) vì đây là môi trường học tập theo tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại, giảng viên tận tâm, tạo điều kiện cho mình theo đuổi đam mê. Không những thế, sau khi tốt nghiệp, mình sẽ được cấp bằng quốc tế và có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào. Các kiến thức học được cũng bổ trợ thêm rất nhiều cho công việc hiện tại của mình.
Nhiều bạn muốn đi làm sớm và cho rằng học đại học lãng phí thời gian, nhưng với mình, việc kết hợp giữa vừa học vừa làm vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. Không chỉ cung cấp kiến thức chuyên ngành, trường đại học còn rèn luyện cho mình những kỹ năng mềm, là môi trường giáo dục hoàn chỉnh để giúp mình vững vàng trước khi bước vào đời.