Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm chậm giải ngân đầu tư công

Google News

Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp, chưa phân bổ hết vốn đầu tư công.và yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm.

Sáng 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về kiểm điểm, đánh giá tình hình, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Thủ tướng khi phát biểu kết luận nêu rõ, có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng.
Có 43 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đến hết tháng 11, bình quân các bộ, cơ quan, địa phương này chỉ đạt tỉ lệ giải ngân khoảng 44%, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước (65,1%), trong đó 15 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%.
Thu tuong yeu cau kiem diem trach nhiem cham giai ngan dau tu cong
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị  
Cùng với đó, nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện, còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công một số dự án còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt, kịp thời.
Thủ tướng cho rằng, vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất, chủ yếu là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư,... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.
Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, quản lý khoáng sản và vật liệu thông thường, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; tính linh hoạt của việc giao chủ quản, điều tiết ngân sách giữa địa phương với địa phương, giữa địa phương và Trung ương; thiếu các hướng dẫn cụ thể đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ...
Có tình trạng thiếu đất, cát và nguyên vật liệu thi công, nhất là thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng nêu rõ, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn đến 247 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để "không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy", phát huy tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.
Theo Thủ tướng, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công đã kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy đều xác định giải ngân đầu tư công là công việc trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta đã xác định cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng với 3 động lực chính gồm đầu tư, xuât khẩu, tiêu dùng. Do đó, cần nêu cao trách nhiệm để góp phần thực hiện Kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, góp phần vừa thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, vừa tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Về quan điểm chủ đạo, Thủ tướng nêu rõ, cần quán triệt nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các nghị quyết, kết luận của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; chủ động, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công. Hoàn thiện chế tài để có công cụ hiệu quả hơn trong xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân hoặc để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
Các báo cáo tại hội nghị cho thấy, giải ngân đến hết tháng 10/2023 đạt gần 389,7 nghìn tỷ (55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng 3,68% và tăng trên 99 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Ước giải ngân đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có những bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (92,76%), Văn phòng Quốc hội (83,61%), Hội Nhà văn Việt Nam (81,6%), Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (74,74%), Bình Dương (113,4%), Long An (112,7%), Bà Rịa Vũng Tàu (106,84%), Tiền Giang (101,42%), Đồng Tháp (100,82%), Hải Phòng (99,83%).
Theo vùng, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ giải ngân bình quân cao (lần lượt là 82,25% và 73,87%).
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo về thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đặc biệt là tập trung phân tích nguyên nhân khiến giải ngân thấp ở một số đơn vị.
>>> Mời độc giả xem thêm video 9 phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Phạm Minh Chính
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)