Gặp nghệ sĩ Phạm Bằng ngoài đời, ít người hình dung ông có thể đóng hài được vì ông khá nghiêm túc và ít nói. Ông bảo, số mình may mắn khi mỗi năm chỉ tham gia 2, 3 đĩa hài và một vài bộ phim truyền hình nhưng đi đâu cũng được bà con, khán giả yêu mến
Ông hài hước bảo: “Tôi già rồi mà các đạo diễn lại hay mời đóng với các nữ diễn viên trẻ, đóng máy xong, chúng toàn gọi tôi là “bố” và xưng “con”, thân thiết như trong gia đình nên tôi thấy mình rất có duyên với điện ảnh…”.
|
NSƯT Phạm Bằng. |
“Tuổi cao, nhưng vẫn còn… dùng được”
Chào NSƯT Phạm Bằng, được biết mấy năm nay, ông luôn đắt show khi đóng phim hài Tết, hình như đó là một cái duyên mà không phải nghệ sĩ nào cũng có?
Đúng là tôi cũng có một chút duyên khi hay được các đạo diễn mời đóng phim hài Tết. Tuổi tôi cao, nhưng vẫn còn... dùng được, vẫn chạy tương đối tốt theo nhịp độ làm phim của ê-kíp trẻ. Mà cuối năm là mùa chạy sô của các diễn viên hài thì làm sao tôi ngồi yên được?
Đùa vậy thôi, ở tuổi tôi nói “chạy sô” thì hơi quá, nhưng khi Tết đến xuân về, tôi vẫn muốn góp tiếng cười vào ngày đầu năm để chúc phúc cho mỗi mái ấm gia đình. Tuy nhiên, không phải đạo diễn nào mời tôi cũng tham gia.
Lý do để NSƯT Phạm Bằng nhận lời hoặc từ chối các vai trong hài Tết?
Tiêu chí số 1 để tôi quyết định có nhận vai hay không là ở kịch bản. Theo tôi, việc quyết định lựa chọn một kịch bản cũng đánh giá trình độ hiểu biết và tầm nhận thức của người nghệ sĩ. Vì thế, tôi luôn đọc và chọn kịch bản rất kỹ.
Thời điểm cuối năm có nhiều nơi mời, nhưng khi đọc kịch bản xong tôi thường phải từ chối vì đa số các kịch bản đều nông cạn, nhảm nhí. Tôi sợ phải tham gia những vai hài “nhảm”, bị chê cười. Với tôi, vai diễn cũng không có gì quá khó.
Tôi tin rằng bằng sự nhiệt tình, tâm huyết thực sự thì trong công việc, kết quả cũng sẽ không phụ lòng mình. Được mời đóng phim, cũng có thể đó là cái may mắn của Phạm Bằng, để biết rằng mình vẫn còn chỗ đứng trong lòng công chúng.
Làm thế nào để phân biệt hài “nhảm” với hài nghệ thuật, thưa ông?
Theo tôi, hài nghệ thuật là những tiểu phẩm hài có chất lượng, cười đấy mà khóc, có giá trị nhân văn sâu sắc, đọng lại cảm xúc trong lòng khán giả sau tiếng cười. Nếu diễn hài mà không làm cho khán giả cười được thì tác dụng ngược của hài rất kinh khủng, những bộ phim ấy được cho là hài “nhảm”. Khán giả bây giờ rất tinh tế, chỉ cần xem là họ phân biệt được hài hay hề.
Bên cạnh đó, những diễn viên đóng hài mà bị gọi “làm hề mua vui” nghĩa là họ đang tự bôi nhọ chính hình ảnh của mình, chưa biết cách diễn, tiết chế cái tôi của mình lại. Nhiều khi diễn ở sân khấu, tôi thấy có những diễn viên còn chiều theo tiếng cười của khán giả, làm đủ mọi trò, đủ mọi động tác để mua lấy tiếng cười, điều đó rất nguy hiểm. Tôi thấy một số diễn viên bây giờ họ hời hợt khi đóng hài nên không ra được chất hài.
Nhiều khán giả thắc mắc, khi gặp NSƯT Phạm Bằng ngoài đời thấy ông rất nghiêm túc, nên họ không nghĩ ông lại diễn hài “ngọt” như thế?
Nhiều khán giả gặp tôi và phán rằng, một người “lạnh lùng” như tôi sao lại có thể đóng hài? Theo tôi, người nghệ sỹ đóng phim thì đó là thuộc về phần chuyên môn, không liên quan gì đến cuộc sống thường nhật. Tôi đóng hài, nhưng tôi không mang cái hài trên sân khấu và màn ảnh vào cuộc sống, lúc nào cũng tếu táo tôi không làm được.
Có thể nhiều người thấy vô lý nhưng với tôi đó là chân lý, bởi cuộc sống bình thường của anh là cuộc sống như bao người khác, còn sân khấu là sân khấu. Không phải ở ngoài đời anh cứ hài hước thì lên sân khấu mới hài được.
|
Nghệ sĩ làm vì đam mê thì mới có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng. |
Một số khán giả thích cái “chất” hài Bắc hơn hài phía Nam, theo ông thì sao?
Mỗi vùng miền đều có “gu” hài khác nhau. Hài Bắc có “chất” riêng và hài trong Nam cũng thế. Người nghệ sĩ đóng hài thì nghe thấy tiếng cười của khán giả là niềm vui, niềm hạnh phúc.
Về thị hiếu, có lẽ sự thưởng thức ở hai miền Nam Bắc cũng có sự khác biệt nhất định. Nhưng dù ở miền nào, tiếng cười cũng luôn phải gắn với đời sống thực tế. Và tôi nghĩ, khán giả ở miền nào cũng thích những tiếng cười có ý nghĩa.
Nghệ sĩ nói chung làm nghệ thuật thì không tính toán thiệt hơn, bản thân tôi đi đóng hài không đòi cát- sê, đạo diễn đưa bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, nghệ sĩ làm vì đam mê thì mới có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng.
Hình như càng có tuổi, ông càng tiết chế sự xuất hiện của mình trên phim?
Đúng vậy, Tết năm trước tôi làm một phim hài, năm nay cũng thế. Qua thời gian dài cộng tác với các đạo diễn, tôi thấy, làm hài khó lắm, khó gấp mấy lần làm phim chính kịch. Những nhận xét của khán giả và đồng nghiệp như: Sao hài gì mà rẻ tiền quá, cười dễ dãi thế? Cũng làm mình phải suy nghĩ. Nên với tôi, phải cù cho khán giả cười thế nào, cười kiểu gì cho đúng chỗ mới là quan trọng, nếu không thì sẽ trở thành thứ rẻ tiền.
Cùng với đó, phải chọn được kịch bản hay, bạn diễn phải biết cách tung hứng ăn ý với nhau mới có tác phẩm hay.
Ông có lời khuyên nào với các diễn viên trẻ đang và đã chọn nghiệp diễn để gắn bó không?
Thế hệ diễn viên trẻ hiện nay có điều kiện hơn lớp nghệ sĩ già chúng tôi. Các em được đào tạo bài bản và có thực tế để cọ xát. Nhưng để sống được với nghề, nhiều em đã phải làm các công việc “tay trái” để hàng đêm đứng trên sân khấu. Điều đó chúng tôi hiểu và chia sẻ.
Hiện nay tôi thấy những diễn viên trẻ như: Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng... là những nghệ sĩ có tài, chịu học hỏi. Tôi chỉ muốn dặn các cậu ấy rằng, những người làm hài hãy chịu khó lắng nghe, đừng đưa cái “tôi” lên cao quá, cũng đừng chấp nhận những tiếng cười dễ dãi. Nếu sống được với nghề phải có đam mê cháy bỏng nữa.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Mỗi người có cái thần thái riêng
Điều gì làm nên tên tuổi của diễn viên hài, thưa ông?
Diễn xuất thì có thể cả nghìn, cả vạn diễn viên đều biểu hiện như nhau nhưng để đánh giá được nó lại nằm ở cái thần thái, phong cách riêng không trộn lẫn của mỗi người. Ví dụ, có những vai diễn không ai có thể thay được Quốc Khánh, Quang Thắng, Vân Dung… hay như Xuân Hinh cũng không thể trộn lẫn vào ai được và có những vai diễn cũng không ai “qua mặt” được Phạm Bằng.
Là một diễn viên hài thì hài hước phải là chủ đạo. Trong các sản phẩm hài, tôi đặc biệt đề cao tính hài hước nhưng phải chân thật, còn nếu hài mà gượng gạo thì chỉ là sự giả tạo mà thôi.