Sao lại bảo không có tiền tăng lương?
- Với cương vị là Trưởng bộ môn kiêm giảng viên chính thì mức lương của ông hiện tại có đủ trang trải cho cuộc sống không?
Lương của tôi cộng mọi thứ chưa được 10 triệu/tháng. Với nhiều người, số tiền ấy có thể là cao nhưng với bản thân tôi đã có mấy chục năm công tác thì số tiền đó không trang trải cuộc sống nổi đâu.
- Ông có quan tâm tới việc tăng lương hay giảm lương không?
Dĩ nhiên là tôi quan tâm chứ, tôi đi làm để lấy lương mà.
- Tôi xin chia sẻ với ông vì theo dự kiến, lần thứ hai liên tiếp lộ trình tăng lương sẽ bị hoãn lại vì chúng ta không tìm đâu ra 40.000 tỷ đồng!
Ô hay, sao lại bảo không có tiền để tăng lương? Theo báo cáo, năm nào nền kinh tế cũng tăng trưởng và phát triển cơ mà!
- Nhưng người ta bảo do bội chi, lại phải dành để trả nợ nên hết tiền rồi!
Nói như vậy không thuyết phục. Vấn đề là, chúng ta có tiền, nhưng tiền đó chi tiêu có hợp lý không? Với nước nghèo thì phải chi cho đầu tư phát triển là đương nhiên, nhưng phải xác định được những ưu tiên chi tiền, trong đó phải làm ngay việc tăng lương cho công để đủ sống và làm việc vì họ là những người thực hiện công việc quản lý, điều hành xã hội. Đằng này có rất nhiều thứ đâu đã cần thiết mà người ta vẫn chi tiêu rất nhiều tiền như việc xây dựng trụ sở mới hoành tráng trong khi trụ sở cũ vẫn có thể sử dụng được. Tiền ở đấy chứ ở đâu, sao không dành để tăng lương? Cho nên nói không có tiền để tăng lương là không thể chấp nhận được!
- Dù có chấp nhận hay không thì điều đó vẫn xảy ra đấy thôi?
Xảy ra hay không đó là ý chí, nhưng cần xem lại trách nhiệm của những cơ quan có thẩm quyền và thực thi vì chúng ta có chương trình, kế hoạch cả rồi. Đồng thời, cũng phải xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu đã duyệt chi những thứ gây lãng phí.
|
ThS.NCS Phan Văn Nhự, Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia. |
Đừng có đổ cho chất lượng nữa!
- Theo ông thì tiền lương có quyết định đến hiệu suất, hiệu quả làm việc của công chức?
Có chứ. Trước hết, cần phải nói rằng lương công chức ở ta hiện nay vào loại thấp nhất thế giới, thấp đến mức không đủ sống. Nếu lương không đủ sống thì người ta phải tìm cách bù theo khả năng và trình độ của mình cho đủ sống. Những cách ấy có cả chân chính như đi làm thêm và cả không chân chính như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng... Xét ở góc độ nào thì cũng khiến công chức không mang hết khả năng để làm việc nên hiệu quả công việc không cao. Đảng và Nhà nước đã xác định được điều này nên đã đề ra lộ trình tăng lương, nhưng vì kinh tế còn nghèo nên tăng có mức độ, song có còn hơn không.
- Ông cho rằng một trong những việc cần ưu tiên chi tiền là tăng lương cho công chức. Thế nhưng xin lỗi ông, có người bảo bây giờ khoảng 30% công chức “có cũng như không” thì tăng làm gì khi thuế phải nuôi cả những người “ăn không ngồi rồi”? ĐBQH Trần Du Lịch mới đây cũng cho rằng không dân nào nộp thuế nuôi nổi bộ máy này đâu!
Tôi không phủ nhận có một bộ phận công chức không làm được việc. Nhưng bảo 30% đội ngũ công chức “có cũng như không” thì không chính xác, bằng chứng đâu, dựa vào cái gì, có chỉ ra ai là người không làm được việc? Rồi bảo không nuôi nổi bộ máy vì cồng kềnh thì cái cồng kềnh ấy tại đâu? Bộ máy cồng kềnh thì phải sắp xếp lại, giảm đi chứ, vừa rồi khi sửa đổi Hiến pháp cũng đề cập đến nhưng đã sửa được đâu. Với lại chi tiêu không hợp lý chứ sao lại đánh đồng chất lượng công chức thấp để rồi không tăng lương.
- Ông đang bảo vệ chính đội ngũ của mình?
Không, tôi đang đứng dưới góc độ của một người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về vấn đề này nên tôi biết. Báo cáo hằng năm đều cho ra kết quả bộ, ngành, địa phương nào cũng “hoàn thành nhiệm vụ” thì làm gì có ai “có cũng như không” được. Người ta thi tuyển vào công chức thì đều có chỉ tiêu, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, được cấp trên phê duyệt thì sao lại bảo họ “ăn không ngồi rồi”! Vấn đề phải xem họ không đủ năng lực hay không mang hết khả năng ra làm? Bây giờ, việc thi tuyển hoàn toàn được chuẩn hóa, công khai, minh bạch thì làm gì có chuyện công chức yếu năng lực được.
- Nghĩa là bây giờ, đổ cho chất lượng đội ngũ công chức kém hiệu quả là không thỏa đáng?
Đừng có đổ cho năng lực, chất lượng công chức nữa! Dĩ nhiên, phải tiếp tục sàng lọc để loại những người không đủ khả năng, nhưng tăng lương thì vẫn phải tăng vì đội ngũ công chức là cốt lõi của nền hành chính công, phản ánh bộ mặt hành chính của mỗi quốc gia, nếu không chăm lo đời sống cho họ tức là đã bỏ quên yếu tố con người, chẳng khác nào một cỗ máy muốn chạy lại không tiếp nhiên liệu cho nó.
Chúng ta đang đi không đúng hướng
- Ông vừa nhắc đến chuyện phải sàng lọc công chức. Tôi nhớ hồi đầu năm nay, Bộ Nội vụ đã đưa ra dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế, trong đó đề xuất tinh giản 100.000 người. Chúng ta cũng đã thực hiện tinh giản nhưng dường như chưa như mong đợi?
Thì rõ rồi còn gì. Chúng ta đã có không dưới 3 lần tinh giản nhưng có tinh giản được ai đâu.
- Theo ông thì vì sao?
Vì nhiều lý do lắm, trong đó có việc chúng ta không biết giảm ai. Ngay như Luật Cán bộ công chức 2010 quy định đánh giá công chức hằng năm là sau 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải bị loại, nhưng có loại được ai đâu vì có ai không hoàn thành nhiệm vụ đâu mà loại. Cái dở nhất là không biết đánh giá công chức thế nào cho chính xác, đánh giá chung chung nên chẳng ai làm sao cả. Chúng ta đang làm một việc rất đúng nhưng cách làm chưa đúng.
- Vậy theo ông, phải làm gì để công chức không bị mang “tiếng oan” là có bộ phận “có cũng như không”, để việc tăng lương cho họ không bị trễ hẹn?
Ở cả những nước giàu người ta cũng đòi hỏi Chính phủ chi càng ít tiền cho bộ máy càng tốt, để giảm thuế cho dân. Chúng ta đang đi không đúng hướng, cứ nhằm vào đầu người (như dự kiến tinh giản 100.000 người), trong khi đáng ra phải cắt giảm bộ máy thì mới giảm được người, vì nguyên tắc là con người gắn liền bộ máy. Hãy sáp nhập các bộ, ban, ngành, cục, vụ lại với nhau; giảm cấp ở địa phương từ 3 xuống 2, đừng đẻ thêm bộ phận mới nữa... thì ắt hẳn sẽ giảm được con người thôi. Bên cạnh đó cũng phải loại thải dần những người yếu kém bằng cách phải có tiêu chí, tiêu chuẩn mẫu đánh giá rõ ràng cho từng vị trí công việc. Đồng thời, chi tiêu cho hợp lý, đừng có để lãng phí như bây giờ nữa thì chắc chắn điệp khúc hoãn tăng lương sẽ chỉ còn là quá khứ.
- Tôi tin rất nhiều người cũng mong mỏi điệp khúc ấy chỉ còn trong quá khứ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
“Người ta cứ bảo phải tinh giản ngần này, ngần kia người nhưng tôi không hiểu họ dựa vào cái gì để mà tinh giản. Còn những người bảo chất lượng công chức ở ta vẫn còn kém thì họ chẳng hiểu gì về công chức cả. Vấn đề bây giờ phải hiểu rằng, con người là nhân tố quyết định mà không có chế độ đãi ngộ, khuyến khích xứng đáng bằng việc tăng lương cho đủ sống thì mọi nhận xét như trên đều không chính xác”.
ThS Phan Văn Nhự