Theo thống kê, số vụ trộm cắp hành lý ở sân bay đang tăng lên nhanh chóng. Năm 2013 có tổng số 205 khiếu nại, trong đó sân bay Nội Bài có 56 vụ, Tân Sơn Nhất có 149 khiếu nại. Số vụ khiếu nại liên quan đến chuyến bay quốc tế là 141 vụ.
Năm 2014, tăng lên là 301 vụ, trong đó sân bay Nội Bài là 144 vụ, Tân Sơn Nhất là 157 vụ, trong đó khiếu nại quốc tế là 178 vụ.
6 tháng đầu năm 2015 có 168 vụ, trong đó Nội Bài là 79 vụ, Tân Sơn Nhất là 88 vụ, số vụ liên quan đến chuyến bay quốc tế là 111 vụ.
Không chỉ hành khách thường mà khách VIP cũng bị “móc túi”. Không chỉ chuyến bay thường mà cả chuyên cơ cũng bị mất cắp. Một lãnh đạo Bộ Công an gửi kiện hàng về Nội Bài mất cả Ipad lẫn máy tính. Một ông Tổng giám đốc ngân hàng tháp tùng chuyên cơ của Thủ tướng mất cả 1 cái va ly.
|
Hành lý của khách đi trên chuyến bay VJ902 từ Bangkok về sân bay Nội Bài (Hà Nội) bị phá khóa, moi đồ |
Tình hình quả là rất nghiêm trọng, khiến Bộ trưởng Thăng bức xúc: “Hiện tượng mất trộm này gần như 100% là trong nhà. Nên chúng ta phải cảm thấy xấu hổ và bị xúc phạm khi để việc này xảy ra”.
Lâu nay nghe chuyện mất cắp tài sản trong va li được khóa kín, cứ phục lăn bọn trộm siêu giỏi. Chứng kiến mỗi lần đi máy bay, hành khách bị soi chiếu khám xét qua cửa này, máy nọ tối tân hiện đại, đến cái kim sợi chỉ cũng không giấu được.
Vậy mà bọn trộm chẳng hiểu chúng chui đường nào để vào được khu vực sân bay mà ung dung móc, rạch túi đồ của khách như ở ngay nhà mình? Mà móc đâu trúng đó, hình như chúng có mắt thần cho nên biết được va li này có Ipad, va li kia có Smartphone.
Cho đến hôm qua đọc được tin tức trên báo mới té ngửa. Thì ra, chúng chẳng tài giỏi gì vì cũng là người trần mắt thịt cả thôi. Chúng tự do hoành hành là bởi vì chúng “hiệp đồng tác chiến”, phối hợp rất nhịp nhàng với nhau nhờ “ứng dụng” kĩ thuật số.
Điều này đã được Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an) - chỉ rõ. Theo ông, nhiều vụ mất cắp hàng hoá xảy ra có sự tham gia, móc nối của nhân viên hàng không, đặc biệt là bộ phận soi chiếu, bằng chứng là những vết rạch rất đúng chỗ để đồ vật có giá trị.
Chuyện đã rõ như vậy nhưng tại sao không chấm dứt được dù ngành hàng không đã rất tích cực đưa ra các giải pháp? Việc xử lí không hiệu quả phải chăng là vì người “trong nhà” như Bộ trưởng đã khẳng định?
Cái gốc của vấn đề chính là ở chỗ này đây. “Quân pháp bất vị thân”. Không kiên quyết, mạnh tay làm tới số bằng luật pháp thì không thể trị nổi những tên trộm bất lương này.