Vụ việc vườn tượng 12 con giáp mình người, đầu thú “khỏa thân” đặt ở khu du lịch Quốc tế Hòn Dấu (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) bỗng dưng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận không chỉ bởi có nhiều ý kiến từ dư luận về sự tạo hình phản cảm, không phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Việt mà chính từ tư duy quản lý của cơ quan chức năng khi chỉ đạo phải…mặc váy, khố cho những bức tượng này để che đi những phần…nhạy cảm.
Vườn tượng 12 con giáp này được chế tác và hoàn thiện từ những năm 2007 với sự tham gia của nhiều các nghệ nhân điêu khắc nổi tiếng của Việt Nam chế tác… có bàn tay đóng góp không nhỏ của nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành – hội viên ngành điêu khắc hội Mỹ thuật Việt Nam, từng là ủy viên ban chấp hành, ủy viên hội đồng Nghệ thuật, Phó chủ tịch chuyên ngành điêu khắc hội Mĩ thuật Việt Nam.
Thực tế mà nói, vườn tượng 12 con giáp là loạt tượng phồn thực phô diễn vẻ đẹp của con người. Việc các bức tượng được chế tác tạo hình mình người đầu thú xuất phát từ quan điểm mỗi con người khi sinh ra đều ứng với một con giáp. Và tất cả các bức tượng trên sau khi chế tác đã được trưng bày tại khu du lịch chứ không phải nơi tâm linh, tín ngưỡng.
|
Không thể nhịn cười với những tác phẩm điêu khắc này khi...buộc phải mặc váy, khố! |
Trên thế giới, nghệ thuật phồn thực trong điêu khắc đã xuất hiện từ khá lâu như ở Ai Cập đã có từ 6000 năm về trước. Ngay tại 22 ngôi đền tại Khajuraho, Ấn Độ, nơi đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vẫn có những tư thế "phòng the" được khắc họa rõ nét trên các bức tượng. Trong nền lịch sử nghệ thuật thế giới thì thời kỳ Phục Hưng là thời kỳ đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật tạo hình và nghiên cứu hình thể con người trong đó có nhiều tác phẩm phồn thực đến nay vẫn được coi là kiệt tác.
Ngay trong kho tàng Văn hóa dân gian Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực mang ý nghĩa thiêng liêng. Ngay trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, tính phồn thực đã truyền cảm hứng cho cuộc phóng sinh cái đẹp khi tạo hình những vẻ đẹp đầy sức truyền cảm của đường nét, của da thịt thiếu nữ như bức tượng vũ nữ tạc ở bệ tượng Trà Kiệu (Quảng Nam - Đà Nẵng) hay như bức phù điêu nữ thần Uma…
Nói như thế để cho thấy, phồn thực trong nghệ thuật điêu khắc thường đưa những công trình kiến trúc lên đỉnh cao nghệ thuật. Khi đạt tới một trình độ nào đó, có một sức truyền cảm mãnh liệt, vượt qua mọi ranh giới văn hoá và tín ngưỡng.
Quay về những bức tượng 12 con giáp tại khu du lịch Quốc tế Hòn Dấu, đánh giá hay cảm nhận, dung tục phản cảm hay nghệ thuật trìu tượng là của mỗi cá nhân. Nhiều người có thể cho rằng đó là sự phản cảm, dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục là do góc nhìn, suy nghĩ của họ về văn hóa truyền thống. Những người am hiểu nghệ thuật sẽ có những góc nhìn, những đánh giá riêng. Bởi tác phẩm nghệ thuật không phải ai cũng có thể cảm thụ theo cách mà những nhà điêu khắc tạo ra, gửi gắm ý nghĩa qua những tác phẩm này.
Tuy nhiên, trong khi dư luận đang có nhiều ý kiến, trả lời báo chí, sáng 27/3, ông Phạm Văn Luân – Thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, đơn vị đã làm việc với chủ nhân những bức tượng và yêu cầu phải khắc phục, sửa chữa để không gây phản cảm với du khách.
“Chúng tôi đưa ra 3 yêu cầu khắc phục cho khu du lịch: một là, mang cất hết những tượng đá đi; hai là, mặc quần áo nghiêm chỉnh cho chúng; ba là, gọi thợ đến đục đẽo, chỉnh sửa những chỗ nhạy cảm”, ông Phạm Văn Luân nói.
Và chắc có sự tác động từ dư luận cũng như những nhà quản lý mà ngay trong sáng 27/3, hàng loạt bức tượng trên đã được đóng khố, váy khiến cộng đồng mạng một lần nữa lại dậy sóng. Họ từng có ý kiến về sự phản cảm của các bức tượng trên nhưng nay lại ồ lên cười cợt về những bức tượng được mặc váy cũng chính là cười cợt tư duy quản lý văn hóa của các cơ quan chức năng.
Bởi theo ông Hoàng Văn Thiềng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Hòn Dấu, từ năm 2007, đơn vị tổ chức đã thành lập một trại sáng tác tại Hải Phòng trong đó thu hút nhiều nghệ nhân, các nhà điêu khắc nổi tiếng ở Việt Nam đến tham gia, đóng góp và sáng tạo tác phẩm. Ngay sau đó, chủ trương xây dựng vườn tượng này cũng được các cơ quan quản lý, hội đồng thẩm định nghệ thuật phê duyệt.
Nếu thấy những bức tượng này phản cảm, dung tục, ngay từ khi được chế tác, các cơ quan quản lý cần có những biện pháp góp ý nhắc nhở cho các bức tượng trở lên hoàn mỹ chứ không phải để đến giờ, khi dư luận có ý kiến là vào cuộc theo kiểu… một là “cất đi” hai là “mặc váy” và thứ 3 là đục đẽo, chỉnh sửa những chỗ nhạy cảm. Không phải cứ dư luận phản ánh gì là nghĩ ngay ra giải pháp trước mắt để "dập lửa" một cách kệch cỡm. Quản lý như thế không bị dư luận cười mới là lạ!