Truyền thuyết kể lại rằng bánh này vốn do mẹ Âu Cơ làm ra phát cho trăm con lên núi, xuống biển làm lương khô ăn dọc đường đi. Cũng có chuyện kể lại rằng, bánh tổ xuất hiện vào cuối thế kỷ 18, thời Quang Trung. Khi nhà vua chuẩn bị tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, một trong những nỗi lo của ngài là vấn đề bảo đảm lương thực trong suốt chặng đường dài hàng trăm cây số đầy chông gai, hiểm trở.
|
Chiếc bánh tổ thưởng được làm vào dịp Tết dâng lên bàn thờ gia tiên. |
Người dân Quảng Nam, với sự thông minh và lòng yêu nước, quyết ủng hộ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đã tìm tòi và khám phá ra công thức chế biến loại bánh này. Bởi vậy, ngày nay bánh tổ xuất hiện trong những ngày tết cổ truyền nhằm ghi nhớ công lao của vua Quang Trung vào mùa xuân năm ấy.
Bánh tổ được làm từ hai nguyên liệu chính là nếp và đường. Tuy nhiên không phải ai cũng làm ra được chiếc bánh vừa dai vừa dẻo lại có độ ngọt rất thanh chứ không phải ngọt lịm. Nguyên liệu ban đầu phải là loại hảo hạng nhất.
Nếp dẻo và thơm, được vo sạch, phơi khô ráo rồi xay hoặc giã mịn như bột. Đường phải là loại đường bát nấu từ đường mía theo phương pháp cổ truyền của Quảng Nam. Đường thắng kỹ, cho vào vài lát gừng, nấu đến khi dậy mùi thơm của gừng, sau đó lọc tạp chất. Trộn đường và bột nếp với nhau, đánh thật kỹ. Điều cốt yếu trong khâu này là tính toán lượng hỗn hợp để bột đường khi đã trở thành bánh thì không bị đặc, không bị nhão.
Bột sau khi đánh nhuyễn sẽ được đổ vào đài được làm bằng lá chuối. Đài tiếp tục được đặt vào chiếc rọ làm bằng nan tre vót mỏng. Để bột dẻo không tràn ra ngoài thì đài được ghim kỹ mép lá, và thường để vành lá cao hơn thành rọ tre.
|
Nguyên liệu và cách thức chế biến bánh tổ đơn giản nhưng không phải cũng làm được chiếc bánh tổ chính hiệu. |
Tiếp đặt bánh vào lò hấp cách thủy. Người làm có thể thử bánh chín hoàn toàn hay chưa bằng cách dùng đũa đâm vào bánh, nếu thấy bột không trào ra là được. Bánh chín thì nhanh tay vớt ra, rắt lên bề mặt ít mè. Lưu ý là mè phải được làm sạch, rang đều tay. Sau đó mang ra phơi nắng đôi ba hôm để làm khô bánh.
Có nhiều cách khác nhau để thưởng thức món bánh bình dị mà hương vị khó quên này. Có thể cắt ra ăn sống, nướng hoặc chiên giòn. Mỗi cách thưởng thức mang lại nhiều cảm nhận khác nhau về hương vị bánh. Nếu ăn sống, đầu lưỡi sẽ cảm nhận vị ngọt thanh của đường, vị cay của gừng và chút mềm dẻo, của nếp.
Nếu bánh đem nướng trên lửa than sẽ dậy lên mùi thơm đặc trưng của nếp, đường gặp nóng sẽ càng ngọt và dẻo hơn, ăn kèm bánh tráng nữa là tuyệt. Một số người lại thích xắt lát chiên giòn. Miếng bánh phồng lên, phảng phất hương thơm, giòn tan trong miệng. Một lát bánh chiên kẹp với lát bánh nướng là sự lựa chọn được nhiều người thích nhất. Đã thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Mỗi khi Tết đến, xuân về, ngồi cùng gia đình chia nhau chiếc bánh tổ đã là hình ảnh mãi in sâu trong ký ức nhiều người dân xứ Quảng.